Việt Nam đã lên các kịch bản với virus H7N9, trong đó tạm dừng nhập khẩu gia cầm sống và sản phẩm chưa qua xử lý nhiệt từ Trung Quốc.
Nguy cơ cận kề
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù chưa phát hiện được ở Việt Nam, nhưng nguy cơ virus cúm A/H7N9 lây lan vào nước ta từ Trung Quốc đang cận kề. Cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, dù không biểu hiện lâm sàng trên gia cầm nhưng lại lây truyền sang người và có tỷ lệ tử vong cao.
Theo ông Đông, phương thức tồn tại, lây truyền virus H7N9 giống H5N1, thường phát hiện ở nơi nuôi nhốt nhiều gia cầm, chợ gia cầm… Tại Trung Quốc, tỷ lệ các mẫu dương tính với virus cúm A/H7N9 cao hơn các loại cúm khác. Nhiều mẫu phân tươi, chất thải, nước thải… nhiễm virus H7N9. Ngoài ra, virus trên còn phát hiện ở một lượng nhỏ chim, bồ câu.
Theo Cục Thú y, virus cúm A/H7N9 xuất hiện từ tháng 3 năm ngoái ở Trung Quốc. Hiện nước này có trên 330 ca bệnh, trong đó gần 70 ca đã tử vong tại nhiều tỉnh thành; trong đó có cả Hồng Kông, Đài Loan. Đáng lo ngại, dịch này đã lan tới tỉnh Quảng Tây, nơi có 4 tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp.
Qua một số nghiên cứu, việc vận chuyển gà loại thải Trung Quốc từ phía Bắc xuống Nam có phát hiện virus cúm, nên nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào nước ta rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Theo nhận định của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc- FAO, Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao, cần xây dựng kế hoạch chủ động đối phó với virus H7N9.
Đóng cửa chợ khi có virus H7N9
Trước nguy cơ lây nhiễm virus H7N9 vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đưa ra 4 tình huống để ứng phó khẩn cấp: Chưa phát hiện virus H7N9 trên gia cầm, môi trường; chưa phát hiện trên gia cầm nhưng có người mắc bệnh; có virus trên gia cầm nhưng chưa có ở người và xấu nhất là virus có cả trên người và gia cầm.
Theo đó, khi phát hiện virus H7N9 trên người, Bộ NN&PTNT phân công đội ứng phó nhanh, kết hợp với Bộ Y tế để điều tra dịch tễ. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng, kiểm soát gia cầm tại các chợ, sử dụng thực phẩm thay thế.
Khi phát hiện virus H7N9 trên gia cầm, đội ứng phó nhanh phải xuống tận địa bàn có mẫu dương tính để triển khai phòng chống dịch; cùng với Bộ Y tế điều tra dịch tễ. Chợ phát hiện gia cầm có virus cúm, phải dừng hoạt động ít nhất 7 ngày để điều tra, xác minh nguồn gốc.
Lấy mẫu các vật phẩm trong chợ, tiêu độc khử trùng…Nếu phát hiện virus ở các trại chăn nuôi, phải tiêu hủy, đóng cửa trại ít nhất 21 ngày, vệ sinh tiêu độc khử trùng. Trong trường hợp phát hiện virus H7N9 tại các thôn, bản có nuôi gia cầm, tiến hành điều tra dịch tễ để tiêu hủy các đàn có gia cầm nhiễm bệnh, tạm dừng việc mua bán, cấm thả rông.
Ngoài ra, Cục Thú y cần xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành virus H7N9 và thông báo rộng rãi để người dân nắm được thông tin. Bộ NN&PTNT nghiêm cấm bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các khu vực biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, không cho buôn bán, thu gom, giết mổ gia cầm ở vùng biên và khu kinh tế mở vì dễ hợp thức hóa gia cầm nhập lậu. Theo Cục Thú y, một số hộ tổ chức giết mổ, đóng vào hộp xốp và vận chuyển sâu vào nội địa.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ở Trung Quốc hàng ngày đều có người nhiễm cúm, cứ 4 người nhiễm có 1 người chết, nên nguy cơ lây lan rất cao và nguy hiểm. Virus này tồn tại trên gia cầm nuôi, hoang dã và cả môi trường. Hiện chưa có bằng chứng việc lây nhiễm cúm A/H7N9 từ người sang người, nhưng khi virus tập hợp mật độ cao thì nguy cơ lây càng lớn.
Hà Nội có 5 đội cơ động phòng dịch cúm gia cầm
Ngày 13/2, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Trung tâm đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên.
Ngoài ra, mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5-7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để.
Thái Hà