Nhà hát quy mô nhất miền Nam
Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vốn đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng là một điểm nhấn kiến trúc nằm trên các tuyến đường từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2, hứa hẹn sẽ là điểm hội tụ các chương trình văn hóa nghệ thuật tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Nhà hát dự kiến rộng 1,2 ha bao gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ. Đây là công trình “vĩ đại” nếu so với Nhà hát thành phố xây từ thời Pháp hoặc nhà hát Bến Thành cùng có 500 chỗ ngồi.
Việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm được giới nghệ sĩ và người dân các tỉnh phía Nam trông chờ đã lâu. Bởi Nhà hát vũ kịch TPHCM thành lập và hoạt động từ năm 1993 đến nay nhưng vẫn chưa có nhà hát phù hợp để biểu diễn. Các chương trình nghệ thuật thường đồng loạt diễn ra vào các ngày cuối tuần và các dịp kỷ niệm, lễ Tết, nên chỉ riêng Nhà hát thành phố là không đủ phục vụ cho các chương trình nghệ thuật lớn và quan trọng.
Rất nhiều đoàn kịch, sân khấu tại TPHCM hiện đi thuê địa điểm. Nghệ sĩ Ái Như, chủ sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh từng cho rằng: “Thành phố cần xây dựng những nhà hát quy mô, hiện đại, đúng công năng để cho các đoàn nghệ thuật thuê làm địa điểm biểu diễn, đó mới chính là mô hình xã hội hóa nghệ thuật phù hợp trong tình hình hiện nay”. Nhà hát Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ “giải tỏa” cơn khát mặt bằng địa điểm biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại TPHCM.
Dừng để ưu tiên cho an sinh-xã hội?
TPHCM đã nhìn thấy vấn đề cần phải xây dựng nhà hát hiện đại, đúng với tầm vóc một trung tâm văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á, nên nhiều năm qua thành phố đã nhiều lần chọn địa điểm, lập dự án để xây dựng nhà hát, song đều bất thành. Đến năm 2017 thì UBND TPHCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) là địa điểm xây nhà hát trong một phiên họp bất thường đồng thời dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Tuy nhiên, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), có báo cáo cho rằng trong bối cảnh thành phố vừa chịu tác động của dịch COVID-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm, mà cần ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.
Thông tin về việc tạm ngưng xây dựng nhà hát Thủ Thiêm gây xôn xao trong giới nghệ sĩ TPHCM vào thời điểm cuối năm 2022, thời điểm mà lẽ ra nhà hát Thủ Thiêm đã phải được hoàn thành theo dự kiến ban đầu. Ca sĩ Lý Hoàng Kim, một giọng ca chuyên về âm nhạc cổ điển thính phòng nói: “Dự án xây nhà hát bao nhiêu năm rồi, cứ hẹn tới hẹn lui vậy sao? Các nghệ sĩ chúng tôi biết vậy thôi, chứ không thể làm gì được”. Nghệ sĩ Lý Hoàng Kim nói: “Cứ đà mấy chục năm không xây dựng được một nhà hát thì có lẽ đời cháu của tôi mới có được nhà hát vũ kịch”.
Nghệ sĩ Piano Nguyễn Thùy Yên, giảng viên Nhạc viện TPHCM đồng thời là nghệ sĩ thường tham gia biểu diễn các chương trình âm nhạc cổ điển thính phòng nói: “Khi nghe tin tạm ngưng xây dựng nhà hát Thủ Thiêm tôi thấy hơi thất vọng. Kế hoạch xây dựng nhà hát đã có từ lâu và khá lận đận... nên đối với những người làm nghề như tôi cũng không quá bất ngờ khi nghe tin này, nhưng lòng vẫn thấy thất vọng”.
Theo một đại diện của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM, dự án nhà hát Thủ Thiêm không thuộc nhóm được đề xuất ưu tiên bố trí vốn giai đoạn 2021-2025, bởi TPHCM vừa bị ảnh hưởng đại dịch nên cần tập trung cho các dự án an sinh xã hội, kích thích kinh tế. Do đó, công trình nhà hát phải tạm dừng nhưng có thể bổ sung trong kỳ trung hạn 2021-2025 khi có vốn. “Không phải dừng thực hiện mà công trình này hiện chưa được ưu tiên bố trí vốn. Khi TPHCM được tăng trần vốn đầu tư trung hạn thì có thể được phân bổ vốn để triển khai dự án”, vị đại diện nói.DUY QUANG
Chờ đợi…
Nghệ sĩ trống giao hưởng Phan Nam, người từng đi biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới nói: “Các thành phố hiện đại đều cần nhà hát. Các nước có nền kinh tế giàu thì nhà hát của họ cũng nằm trong quần thể cao ốc, như vậy tiết kiệm được quỹ đất”. Theo nghệ sĩ Phan Nam việc xây dựng nhà hát trong khu đô thị là theo kịp xu thế thời đại, song vấn đề là: “Việc xây dựng nhà hát cần công khai đấu thầu, tìm được những nhà thiết kế, thi công có năng lực thật sự. Nếu không thì sản phẩm cuối cùng lại trở nên méo mó, kém chất lượng”.
Báo Tiền Phong đã có bài phản ánh Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM (đặt tại Thủ Thiêm) kết thúc nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa công bố kết quả. Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM gửi văn bản đến UBND TPHCM phản ánh tâm tư của kiến trúc sư Jean - Francois Milou, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Pháp hiện nay và là người tham gia cuộc thi về việc chấm thi và công bố giải.
Phương án dự thi có mã số S099 của Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội (liên danh Pháp và Việt Nam) có số điểm: 86.80. Phương án dự thi có mã số D102 của Công ty GMP International GmbH (CHLB Đức) có số điểm: 82.58. Đây là hai phương án dự thi có số điểm cao nhất. Giới chuyên môn và dư luận quan tâm là rút cuộc phương án nào sẽ được lựa chọn để xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm?
Theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện các công ty tham gia thi thiết kế nhà hát Thủ Thiêm vẫn trong tình trạng “chờ đợi” những phán quyết từ TPHCM về các tác phẩm của họ.
Là người lạc quan, nghệ sĩ Nguyễn Thùy Yên nói: “Dù sao tôi vẫn tin chắc chắn kế hoạch xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch trước sau cũng sẽ thành hiện thực, vì tôi là người khá lạc quan và luôn tin vào điều đúng điều tốt trước sau gì cũng đến. Muộn còn hơn không. Chỉ băn khoăn là đến khi nhà hát hoàn thành thì thế hệ nghệ sĩ hiện nay như chúng tôi còn lên sân khấu được hay không thôi!”.