Tuy nhiên, các quốc gia khi hỗ trợ Afghanistan đều phải cam kết không được can thiệp vấn đề nội bộ của Kabul, ông Mohib nhấn mạnh.
“Chúng tôi không muốn thay thế siêu cường này bằng siêu cường khác. Hoà bình và ổn định chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi các đối tác bên ngoài giúp đỡ các lực lượng quốc phòng và an ninh của chúng tôi chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng không được can thiệp công việc nội bộ của Afghanistan”, ông Mohib nói. “Chúng tôi hoan nghênh mọi sự hỗ trợ, tất nhiên, từ cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga”.
Lời kêu gọi của Kabul được đưa ra cùng thời điểm Taliban tuyên bố đã chiếm được 85% lãnh thổ Afghanistan.
Phát biểu từ Moscow (Nga) hôm thứ Sáu, quan chức Taliban - Shahabuddin Delawar cho biết "85% lãnh thổ Afghanistan đã nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi.”
Trong ngày thứ Sáu, Taliban đã chiếm được thị trấn biên giới Islam Qala và trạm kiểm soát Abu Nasa Farahi - hai địa điểm quan trọng nằm dọc theo biên giới Afghanistan-Iran.
Ông Delawar cũng tuyên bố Taliban sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ không tái xuất ở Afghanistan.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Mỹ nếu rút đi ít vội vàng hơn thì có thể đã giúp hạn chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Taliban trong khu vực.
Theo cộng đồng tình báo Mỹ, Afghanistan có khả năng sẽ sụp đổ trong vòng sáu tháng kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu rút đi, để Taliban trở lại cầm quyền sau 20 năm bị lật đổ. Mỹ tấn công Afghanistan sau loạt khủng bố 11/9/2001 mà al-Qaeda thực hiện, với lý do là Taliban đã dung túng tổ chức này.
Thông tin trên đã khiến các quốc gia khác, và thậm chí cả người Mỹ, đặt câu hỏi về quyết định đột ngột rút quân của Tổng thống Joe Biden.
"Tình hình đang xấu đi nhanh chóng", trích thông báo của Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington (Mỹ). ”Chúng tôi cho rằng đó là do sự rút quân vội vàng của Mỹ và các quốc gia NATO khác."