Đó là trường hợp bệnh nhân B.M.H. (30 tuổi, ngụ tại Cần Thơ). Theo bệnh sử, trong lúc đang điều khiển phương tiện, anh H. có biểu hiện đột ngột bị méo miệng, nói đớ. Bệnh nhân đã may mắn được đồng nghiệp đi cùng, dừng phương tiện nên không xảy ra sự cố. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào bệnh viện cấp cứu trong thời gian 2 giờ đầu kể từ khi có biểu hiện đột quỵ.
BS Khải cho biết, thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn nửa người bên trái, kèm biểu hiện nói khó và méo miệng. Kết quả chụp CT não, CT mạch máu não ghi nhận, bệnh nhân có một khối máu đông gây tắc (đoạn M1) động mạch não giữa bên phải. Đây là tình trạng cần can thiệp cấp cứu hút huyết khối. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ đặt dụng cụ, nên hoàn toàn tỉnh táo và có thể trò chuyện với bác sĩ trong suốt quá trình can thiệp, cục máu đông đã được lấy thành công khỏi động mạch não người bệnh.
Sau một ngày được lấy huyết khối, sức cơ bệnh nhân cải thiện gần như hoàn toàn, bệnh nhân hết méo miệng, nói chuyện rõ ràng, tự đi lại. Bác sĩ tiên lượng người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn khả năng lao động và trở về cuộc sống bình thường sau khi ra viện.
Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, nhóm bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng tăng. Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng cũng như tử vong do đột quỵ, BS Khải khuyến cáo khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, không thể cử động tay chân, nói đớ... hãy nhanh chóng liên hệ với 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có điều trị đột quỵ để điều trị kịp thời.