Tại sao đàn ông ngại đi khám bác sĩ?

Đàn ông có xu hướng chết sớm hơn phụ nữ. Họ cũng dễ nghiện thuốc lá và uống nhiều rượu hơn. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này và 1 trong đó là do ngại đi khám.

Nguyên nhân khiến nam giới dễ tử vong sớm bao gồm sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có một thực tế là nam giới mắc nhiều nguy cơ, ít kết nối xã hội và có công việc nguy hiểm hơn phụ nữ. Và có một cách rất đơn giản và dễ dàng để giải thích cho vấn đề: Nam giới thường không đi khám bác sĩ nhiều như phụ nữ.

Theo một khảo sát năm 2014 của Trung tâm phòng chống bệnh dịch Mỹ (CDC) trong khoảng thời gian 2 năm, nam giới ít đi khám hơn 50% so với phụ nữ, và trong 5 năm họ cũng nhiều khả năng không đi khám bác sĩ hơn gấp 3 lần so với phụ nữ. Và cuối cùng, nam giới cũng dễ thừa nhận rằng từ lúc trưởng thành họ chưa từng liên hệ với bác sĩ hay nhân viên y tế gấp 2 lần so với phụ nữ.

Một cuộc khảo sát trực tuyến mới đây do hệ thống bệnh viện Orlando Health đã gợi ý lý do tại sao nam giới rất miễn cưỡng đi gặp bác sĩ như vậy. Theo kết quả khảo sát, sự kết hợp của bận rộn, sợ hãi, xấu hổ và khó chịu đã ngăn cản họ bước qua cánh cửa phòng khám.

Việc đi khám bác sĩ đang gióng lên tiếng chuông báo động về sức khỏe của nam giới.

BS Jamin Brahmbhat, 1 trong 2 nhà hoạt động vì sức khỏe nam giới, đang dùng các kết quả khảo sát để khuyến khích phái mạnh đối mặt với nỗi sợ bác sĩ của mình và thực hiện việc có thể cứu sống tính mạng của họ, đã thổ lộ rằng ông cũng có cùng những nỗi sợ hãi và bất an khiến cho phái mạnh không muốn bước chân qua cánh cửa phòng khám - đặc biệt là nỗi sợ về việc thăm khám trực tràng hoặc phải cởi bỏ hết quần áo.

Là một bác sĩ được chăm sóc sức khỏe từ chính bệnh viện mà ông làm việc, Brahmbhatt còn rất căng thẳng về việc phải xuất hiện “không mảnh vải che thân” trước mặt đồng nghiệp.

"Bạn sẽ phải kiểm tra một số bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể ", ông nói. "Nhưng chúng tôi, những bác sĩ, rất ý thức về sự nhạy cảm của những cơ quan “riêng tư”, nên chúng tôi sẽ không làm bạn bị đau”.

Không có gì nghi ngờ rằng việc thăm khám này có thể cứu tính mạng bạn. Một trong số các bệnh nhân của Brahmbhatt, một người đàn ông có tên là Steve, là ví dụ điển hình vì công việc của anh là một lính cứu hỏa và thường xuyên phải tập luyện. Nhưng khi Steve để ý thấy một vết sưng trên tinh hoàn, đầu tiên anh chọn cách không để ý đến nó. Và rút cuộc khi phải có mặt ở phòng khám, BS Brahmbhatt đã kiểm tra vết sưng, yêu cầu làm các xét nghiệm và cuối cùng chẩn đoán anh bị ung thư tinh hoàn.

"Nếu anh ấy chờ thêm 6 tháng hoặc một năm nữa, chắc chắn bệnh sẽ di căn tới những chỗ khác của cơ thể", BS Brahmbhatt nói.

Vậy nam giới nên đi khám bác sĩ bao lâu một lần?

Nam giới nên đi kiểm tra sức khỏe bao lâu một lần sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác và sức khỏe, điều này giải thích cho những hướng dẫn kiểm tra y tế phức tạp. Phái mạnh nên có lịch khám sức khỏe phù hợp với sức khỏe và lối sống của mình. Bác sĩ sẽ cùng bạn xây dựng một kế hoạch cá nhân dựa trên những nguyên tắc sau:

2 năm một lần ...

Nam giới ở độ tuổi từ 18-39 cần kiểm tra huyết áp 2 năm một lần, nhưng nếu huyết áp đạt đến một ngưỡng nào đó thì cần kiểm tra mỗi năm một lần.

3 năm một lần ...

Nam giới tuổi 45 trở lên cần sàng lọc bệnh tiểu đường 3 năm một lần, nhưng nếu bị thừa cân thì việc sàng lọc nên bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn

5 năm một lần ...

Nam giới trên 35 tuổi cần được sàng lọc về cholesterol cao và phòng ngừa bệnh tim mỗi 5 năm một lần, nhưng nếu bị bệnh tiểu đường, họ cần được kiểm tra thường xuyên hơn.

Nam giới không có tiền sử gia đình ung thư hoặc polyp đại tràng cần được sàng lọc ung thư đại trực tràng mỗi 5-10 năm một lần trong độ tuổi từ 50 đến 75, nhưng việc sàng lọc nên bắt đầu sớm hơn nếu có tiền sử gia đình.

Ngay bây giờ...

Dù đang ở độ tuổi nào, nếu bạn chưa từng đi khám bác sĩ từ khi trưởng thành, thì hãy đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể cùng với bạn xây dựng kế hoạch khám sàng lọc phòng ngừa bệnh và lịch khám phù hợp với tuổi tác và sức khỏe để bảo vệ “tài sản vô giá” của bạn.

"Bạn không thể đi thuê một cơ thể khác, và bạn không thể sử dụng cơ thể của người khác", BS Brahmbhatt kết luận. "Cơ thể của bạn là tất cả những gì bạn có, vậy tại sao không chăm sóc tốt cho nó giống như bạn vẫn làm cho những thứ đáng giá bên ngoài cơ thể bạn?".

Nguyên nhân một phần ở chế độ “trọng nam”.

Nam giới luôn hình thành những thông điệp rất mạnh mẽ, rõ ràng về cách thể hiện nam tính và che giấu sự yếu đuối, và việc đến phòng khám bác sĩ khá là trái ngược với khuôn mẫu cứng nhắc của vai trò giới tính, GS Glenn Good, một chuyên gia về nam tính và tâm lý nam giới tại Đại học Florida giải thích.

"Việc đi khám bác sĩ ẩn chứa một vài điều có thể khiến phái mạnh cảm thấy không thoải mái," GS Good nói. "Họ không muốn hỏi đường đi và họ không muốn phải tham khảo ý kiến của chuyên gia về điều gì đó mà họ không biết rõ”.

Và tuy phụ nữ thường hay ngượng ngùng về cơ thể, vì họ phải chịu sự chỉ trích vô cùng nặng nề về ngoại hình và cân nặng, thì điều đó không có nghĩa là nam giới không phải âm thầm vật lộn với những kỳ vọng khác về dáng vóc. Điều này có thể giải thích sự miễn cưỡng của một số người khi phải nhìn thấy cân nặng của mình ở phòng khám bác sĩ.

Phái mạnh cần suy nghĩ lại quan niệm của mình về sức mạnh nếu muốn cảm thấy thoải mái về việc đi khám bác sĩ. Một người thực sự mạnh mẽ và khỏe mạnh luôn bao gồm chăm sóc sức khỏe định kỳ, tư vấn sức khỏe và những thói quen lành mạnh hàng ngày để thực sự bảo vệ cơ thể của mình – chứ không chỉ bảo vệ hình ảnh của bản thân.

Theo Theo Dân trí