Tại sao đa cấp hút người Việt?

Gieo rắc tư duy tỷ phú cho người nghèo, tung chiêu bài "tự do tài chính", xây dựng thành công cộng đồng cho các đối tượng tham gia... là cách những đa cấp hút người Việt.
Nhiều người sa bẫy đa cấp vì tham vọng làm giàu nhanh chóng. Ảnh minh họa: M.Đức.

Kinh doanh theo hình thức đa cấp được nhiều chuyên gia kinh tế, marketing và truyền thông đánh giá là phương pháp marketing thông minh bởi giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống đại lý gắn kết, bán hàng hiệu quả và giảm chi phí quảng cáo.

Tuy nhiên, chính sách trả thưởng, tăng doanh số của đa cấp dựa trên hoạt động mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên bán hàng.  Chính đặc trưng này khiến kinh doanh kiểu đa cấp dễ bị lợi dụng, biến tướng. Bẫy đa cấp biến tướng chiếm dụng vốn của hàng nghìn, triệu nạn nhân gây nhiều hệ lụy. Nhưng vì một số nguyên nhân, mô hình này vẫn thu hút nhiều người Việt sa chân.

Đa cấp "sống khỏe" nhờ lòng tham

Nguyễn Minh Đức (Sơn La), con trai cả trong một gia đình làm nông 3 đời, quyết định bảo lưu việc học đại học để nắm bắt cơ hội đổi đời sau một khóa học làm giàu kéo dài chỉ vài buổi. Giấu người nhà, bất chấp khuyên răn từ bạn bè, thầy cô, Đức tin rằng mình đúng sau nhiều buổi tiếp xúc và chia sẻ với các đàn anh trong công ty đa cấp U.

“Các anh chị ấy từng có người tù tội, có người đi đánh giày, có người là giáo viên, có cả doanh nhân phá sản nhiều lần, nhưng giờ họ đều thành công. Tôi học được từ họ lối tư duy của người thành đạt và cách suy nghĩ tích cực. Cơ hội làm giàu bình đẳng cho tất cả mọi người nhưng chỉ đến với người nắm bắt tốt nó”, Đức tâm sự.

Câu chuyện của Đức có nhiều điểm tương đồng với chuyện của rất nhiều nạn nhân khi kể lại quá trình sa chân vào bẫy đa cấp. Tìm cách gieo rắc vào đầu “lính mới” khát vọng làm giàu, đổi đời nhanh chóng để sau đó, đưa ra cho họ phương thức thực hiện dễ dàng là chiêu bài của hầu hết các công ty đa cấp biến tướng.

“Bao giờ tâm lý con người còn lòng tham kiếm nhiều tiền một cách nhàn hạ, thì khi ấy, đa cấp còn sống khỏe”, chuyên gia truyền thông Hà Anh Tuấn chia sẻ về sức sống của mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng tại Việt Nam.

“Đánh trúng vào lòng tham tiền, tham vinh hoa của số đông, các tổ chức đa cấp tìm cách cho lính mới chứng kiến câu chuyện thành công của 5% nhân sự thay vì nhìn thấy nỗi cay đắng của 95% nạn nhân”. 

Chuyên gia Hà Anh Tuấn

Bằng nhiều phân tích, ông Tuấn chỉ ra nguyên nhân chính khiến đa cấp bất chính hút nhiều người sập bẫy là đánh trúng tâm lý tham tiền, muốn thành triệu phú, tỷ phú một cách nhanh nhất. Đối tượng bị tác động lớn nhất thường là những người nghèo hoặc người lao động cảm thấy công việc hiện tại đang quá vất vả so với số tiền ít ỏi kiếm về.

Ông Tuấn cho biết, thực tế, việc kiếm được mức siêu lợi nhuận nhờ đa cấp là có thật. Mô hình kinh doanh đa cấp 1.0 áp dụng từ cách đây hơn chục năm hiện vẫn phổ biến. Theo mô hình này, những cá nhân đầu tiên tham gia vào hệ thống chỉ cần đầu tư số vốn ít ỏi, trong một thời gian ngắn, lôi kéo được nhiều đại lý đi sau mình tham gia vào hệ thống, vậy là bắt đầu hưởng lãi.

Do lợi nhuận phải chia ra rất nhiều cấp nên giá bán của sản phẩm trong hệ thống này ngày càng xa giá trị thực tế, tỷ lệ có thể gấp tới hàng trăm lần và có dấu hiệu lừa đảo. Nhóm người đi đầu chiếm tỷ lệ khoảng 5%, chính là nhóm hưởng lợi lớn nhất. Điều này lý giải cho câu nói “Tiền chảy vào ví ngay cả trong khi ngủ” của dân đa cấp khi đi “săn mồi”.

Ông kể từng tham dự một buổi hội thảo đa cấp nên không lạ khi thấy nhiều người trẻ, người nghèo ít tiếp cận thông tin bị dụ dỗ dễ dàng.

“Đứng ở đó, một người vừa phá sản cũng sẽ tìm lại được lối tư duy lạc quan, xây dựng lại ước mơ làm giàu khi tận mắt nhìn thấy những doanh nhân thành đạt được vinh danh trên sân khấu cũng đã từng như mình. Họ ôm nhau rất chặt, tuyên bố kết nghĩa anh em, cùng nhau vươn tới giàu sang. Bằng nghệ thuật ‘tẩy não’ ấy, các tổ chức đa cấp không chỉ mồi chài thành công mà còn có những con chiên sẵn sàng gắn bó lâu dài”, ông Tuấn nói. Điều này giải thích lý do rất nhiều người vừa thoát khỏi hệ thống đa cấp này đã nhanh chóng đầu quân cho tổ chức khác.

Ở góc nhìn của một nhà truyền thông, ông cho biết, “dân đa cấp” sở hữu những kỹ năng đàm phán, thuyết trình, thuyết phục, tổ chức sự kiện và bán hàng rất tốt. “Giá như họ vận dụng tài năng của mình ở những môi trường xứng đáng và trong sạch thì tốt biết mấy. Nhưng đồng tiền chính đáng bao giờ đến cũng chậm hơn và ít hơn”, chuyên gia nói trên bình luận

Lợi dụng kẽ hở luật pháp

Nhờ phổ rộng thông tin, không ít người bị lôi kéo đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kinh doanh đa cấp và sự tồn tại của công ty. Tuy nhiên, bên cạnh những hứa hẹn về lợi nhuận, đội quân đa cấp luôn đưa ra lý lẽ chung nhằm thuyết phục đối tượng lôi kéo: “Nếu công ty phạm pháp thì đã bị bắt từ lâu rồi chứ đâu thể tồn tại tới giờ?”

Không chỉ vậy, để tăng uy tín cho công ty, trấn an người tham gia, những công ty đa cấp bất chính thường tung ra những thông tin, hình ảnh các sự kiện, hội thảo do doanh nghiệp tổ chức có sự tham gia của nhiều cá nhân có uy tín trong xã hội như những doanh nhân, chính trị gia về hưu, chuyên gia kinh tế, và cả nghệ sĩ nổi tiếng.

Một đại tá quân đội nghỉ hưu từng chia sẻ lý do ông tham gia vào một sự kiện hội thảo: “Tôi được họ mời đến để động viên lớp doanh nhân trẻ và trao tặng tiền từ thiện cho các đối tượng chính sách. Tôi không nghĩ, cũng không biết đó là chương trình đa cấp”.

Chuyên viên tư vấn luật doanh nghiệp Nguyễn Thị Hoa, phòng luật Dương gia, cho biết, chính sự tồn tại dai dẳng bất chấp nhiều lời kêu cứu từ các nạn nhân của nhiều công ty đa cấp, một số công ty khác còn đang phát triển, phình đại nhanh chóng là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn sập bẫy đa cấp. “Họ nghĩ rằng công ty đa cấp đó không bị pháp luật xử lý là môi trường làm ăn chính đáng, tin cậy”, bà Hoa cho hay.

Theo luật sư này, cho tới nay, việc chưa có văn bản pháp lý nào có chế tài thắt chặt, xử lý nghiêm ngặt vấn đề đa cấp biến tướng là nguyên nhân khiến loại hình kinh doanh này còn tồn tại, ngày càng nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết pháp luật, chưa tiếp cận thông tin cũng là lý do số lượng người dân dính bẫy đa cấp gia tăng, nhiều nạn nhân muốn thoát ra phải chịu tổn thất kinh tế. “Thực tế, nhiều nạn nhân đa cấp tìm tới luật sư kêu cứu, muốn kiện doanh nghiệp để đòi lại số tiền đã mất nhưng không thể vì thiếu chứng cứ. Nhiều người muốn tự tìm kiếm một văn bản pháp lý về xử lý bán hàng đa cấp bất chính cũng không có”, bà Hoa nói.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, người đứng ra kêu gọi bài trừ đa cấp cho biết, đa cấp bất chính đang gây nhiều hệ lụy tới xã hội. Tuy nhiên, hoạt động chống kiểu kinh doanh biến tướng lại đang chỉ dựa vào việc phổ cập kiến thức tới người dân. Nhưng vì nhiều nguyên nhân kể trên, bất chấp nỗ lực của truyền thông, nhiều đối tượng trong xã hội vẫn đã, đang và có khả năng tiếp tục sập bẫy đa cấp.

Theo Theo Zing