Tái cơ cấu - Đến đâu?

TP - “Đã một năm từ khi các mục tiêu tái cấu trúc ngân hàng, đầu tư công và DNNN được công bố.

> Ngân hàng dồn dập tái cơ cấu

Về lĩnh vực ngân hàng, thành tích đáng kể nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kịp thời nhận định và ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản của các ngân hàng nhỏ vào quý 4 năm 2011 và ra quyết định cho “hợp nhất” ba ngân hàng nhỏ phía Nam. Sau đó là một loạt tuyên bố chính sách để “cải tổ hệ thống ngân hàng”.

Đi kèm nhiều biện pháp hành chính như áp đặt lãi suất huy động trần, lãi suất cho vay trần, phân loại các ngân hàng thành các nhóm để ấn định mức rủi ro, ban hành các “quotas” tín dụng nhằm ngăn chặn lạm phát, cho sáp nhập ngân hàng gần vỡ nợ HBB vào ngân hàng SHB.

Tuy nhiên, kết quả ban đầu còn khá khiêm nhường” - TS Phạm Đỗ Chí nhận xét tại một hội thảo kinh tế lớn. Theo ông, tái cơ cấu ngân hàng vậy thôi chứ “nói dễ, làm khó”.

Liên quan đến tái cơ cấu, mới đây, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, 9 ngân hàng yếu nhất trong giai đoạn vừa qua đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng theo mọi tiêu chí.

Ban đầu, là dựa vào con số, tiếp theo là đi thanh tra, để chặt chẽ hơn, NHNN mời cả kiểm toán vào.

“Về cơ bản là kết quả hai bên tương thích với nhau. 9 ngân hàng đúng như chúng tôi nhận định. Có ngân hàng báo nợ xấu 2,9-3,1% nhưng thanh tra vào thấy lên tới 13 đến 16% thậm chí còn hơn 30%. Tệ hơn, có ngân hàng lỗ nặng, ngân hàng mất cả vốn điều lệ, có ngân hàng còn “ăn” vào vốn vay của dân. Ngoài 3 ngân hàng chủ động xin tự xử (Habubank, TiênPhongBank, HDBank), hiện 6 ngân hàng còn lại đã trình phương án, nhưng đến nay NHNN chưa thấy phương án nào khả thi cả, đáp ứng các yêu cầu. Cuối năm nay không loay hoay được thì NHNN sẽ có phương án, và là bắt buộc”- vị đại diện này cho biết.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đến đâu? TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia nhìn nhận: quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được chia làm ba giai đoạn: củng cố thanh khoản, lành mạnh tài chính thông qua xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động.

Cho đến nay, giai đoạn 1 đã đạt được kết quả quan trọng, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số ngân hàng nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán đã được ngăn chặn và đang hoạt động ổn định trở lại. Giai đoạn 2 lành mạnh hóa tài chính tập trung xử lý nợ xấu vẫn đang khởi động.

“Ở Việt Nam, trước mắt khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung ra đời, cần có hành động cụ thể và quyết liệt để xử lý việc đóng băng tín dụng có liên quan đến nợ xấu. Nếu các thao tác pháp lý thuận lợi thì 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”- vị chuyên gia này nhận xét.

Theo Báo giấy