Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, khối u khổng lồ này có kích thước khoảng 10x15 cm của bé gái mới 15 ngày tuổi - con của sản phụ Dương Thị Oanh (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).
Cách đây 15 ngày, bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, cân nặng 3,6 kg và mang một khối u chiếm trọn vùng cổ, lan sang vùng mặt bên phải. Ngay lập tức, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.
Theo bác sĩ Hiếu, đây là một dạng u nang bạch mạch hay còn gọi là u bướu tân dịch vì chứa nhiều dịch vàng trắng bên trong. Khối u được hình thành từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ do một mạch máu bị tắc. Khi ra đời, nếu em bé không được phẫu thuật sớm, sẽ nguy hiểm đến tính mạng, vì khối u quá to đè vào đường thở, nguy cơ ngưng thở, suy hô hấp, ngưng tim có thể xảy bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, cái khó nhất ở ca này đó là bên trong khối u chứa nhiều mạch máu lớn, có chức năng dẫn truyền máu từ tim lên não em bé. “Chỉ cần một thao tác không cẩn trọng có thể gây đứt mạch máu, bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn mổ”, bác sĩ Hiếu nói. Ngoài ra, khối u còn chứa trên 10 nang nhỏ ăn sâu vào vùng sàng miệng em bé, nếu bác sĩ phẫu thuật bỏ sót bất kỳ một phần nang nào cũng có thể khiến khối u tái phát trở lại. Mục tiêu lấy trọn khối u to, không làm thương tổn vùng cổ và kỹ thuật gây mê trên một em bé sơ sinh là một thách thức lớn với ê kíp phẫu thuật.
Ca mổ được tiến hành bởi 5 bác sĩ ngoại nhi, kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, cuối cùng đã thành công. Em bé có các dấu sinh hiệu ổn định sau phẫu thuật. Theo bác sĩ Hiếu, mỗi năm, bệnh bệnh viện phẫu thuật từ 10-20 ca u nang bạch mạch ở bệnh nhi. Nhưng với khối u lớn như của bé gái này thì cực kỳ hiếm gặp.