Tác giả ‘Nhật ký Vũ Hán’ bị chỉ trích, đe dọa vì phát hành sách ra nước ngoài

TPO - Nhà văn Phương Phương tiết lộ nhận được rất nhiều lời đe dọa và hiện đang lo lắng cho sự an toàn của bản thân, cũng như gia đình, sau khi quyết định phát hành “Nhật ký Vũ Hán” ra nước ngoài.

Sau khi Vũ Hán bị phong tỏa do bùng phát dịch COVID-19, nhà văn Trung Quốc tên Phương Phương (người bản địa) đã bắt đầu viết nhật ký trực tuyến, tiết lộ về cuộc sống ở Vũ Hán trong những ngày bị tách biệt với thế giới, cũng như giành giật sự sống trước “thảm kịch coronavirus”.

60 bài đăng trong hơn 60 ngày bị phong tỏa trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, bà Phương Phương đã cung cấp cái nhìn hiếm hoi tại nơi bắt nguồn của đại dịch đang khiến cả thế giới khiếp sợ.

Gần đây, tác giả Phương Phương đã đồng ý xuất bản các bài đăng của mình thành sách bằng tiếng nước ngoài. Dự kiến, “Nhật ký Vũ Hán” sẽ ra mắt vào tháng tới, được dịch ra nhiều ngôn ngữ như như Anh, Pháp, Đức…

Nội dung sách phản ánh cuộc sống của 11 triệu dân ở Vũ Hán trong những ngày “phong thành”, về nỗi sợ hãi, giận dữ và hy vọng cuốn lấy từng con người trong sự cô lập.

Ngoài những điều bình dị trong cuộc sống, bà Phương Phương cũng đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về chính trị như bệnh viện quá tải, từ chối bệnh nhân, khan hiếm khẩu trang hay cái chết.

“Một người bạn bác sĩ nói với tôi: trên thực tế, đội ngũ y tế đều biết về dịch bệnh lây truyền từ người sang người. Chúng tôi đã báo cáo điều này với cấp trên, nhưng không ai cảnh báo mọi người”, trích một đoạn trong bài đăng của tác giả Phương Phương.

Hình ảnh chụp Vũ Hán những ngày phong tỏa.

Trong khi “Nhật ký Vũ Hán” được mong chờ ở nhiều quốc gia trên thế giới, tại quê nhà Trung Quốc, bà Phương Phương chịu áp lực rất lớn từ dân mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng truyền thông Trung Quốc Caijing, có trụ sở ở Bắc Kinh, nữ tác giả U70 cho biết, nhiều bài đăng của bà đã bị xóa. Tài khoản Weibo cũng bị chặn tạm thời.

Chưa dừng lại ở đó, bà Phương Phương bị nhiều lời đe dọa, khiến bà rất lo lắng cho sự an toàn của bản thân và các thành viên trong gia đình. Một số người dùng mạng đã lan truyền những thông tin bịa đặt, phỉ báng bà, thậm chí còn tiết lộ địa chỉ nhà của bà.

Bài đăng trên Caijing cũng “biến mất” ngay sau khi được công bố. Tuy nhiên, một số trang web độc lập đã đăng lại.

Trên mạng xã hội, không ít người chỉ trích “Nhật ký Vũ Hán” đưa ra thông tin phiến diện, bịa đặt, khác xa với những gì đưa trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Cơn thịnh nộ của dân mạng trong nước càng dữ dội hơn khi bà Phương Phương đồng ý xuất bản sách bằng tiếng nước ngoài. Họ cáo buộc, nữ tác giả sẽ khiến quốc tế có cái nhìn tiêu cực vào quá trình chống dịch của Trung Quốc... Số khác nhấn mạnh, bà Phương Phương kiếm tiền từ hàng ngàn người bị virus SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng.

Tác giả Phương Phương phải đối mặt với "bạo lực mạng".

Đáp trả dư luận, tác giả Phương Phương đã trả lời phỏng vấn trên Caixin – đơn vị truyền thông có trụ sở tại Bắc Kinh.

Nữ tác giả tiết lộ, các nhà xuất bản ở Trung Quốc quan tâm đến “Nhật ký Vũ Hán”, nhưng do dự vì những tranh cãi trong dư luận liên quan đến nội dung tác phẩm phản ánh.

Bà tự nhận là nạn nhân của “bạo lực mạng” bởi những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. "Nhật ký của tôi ghi lại kinh nghiệm chống dịch thành công của Trung Quốc, không hề có tác động tiêu cực nào đến đất nước. Cuốn sách này được phát hành ở nước ngoài chỉ với mục đích đơn thuần quảng bá cho thế giới thấy kinh nghiệm đẩy lùi bệnh dịch của nước nhà", bà khẳng định.

Bà Phương Phương cũng tuyên bố, sẽ quyên góp “mọi khoản tiền bản quyền” cho những gia đình của các nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu không may qua đời.

Bên cạnh những người công kích, không ít độc giả trong nước lên tiếng bảo vệ bà Phương Phương: “Bà ấy chẳng có lỗi với ai cả”, “Bạn có thể tự do viết một cuốn nhật ký đi ngược lại với những gì bà ấy viết, dịch và xuất bản nó ra nước ngoài”…

Phương Phương, tên thật là Vương Phương, sinh năm 1955 trong một gia đình trí thức khá giả tại Giang Tô. Bà chuyển đến Vũ Hán vào năm 1978 để học đại học, sau đó quyết định gắn bó với nơi này.

Trước “Nhật ký Vũ Hán”, bà từng viết nhiều tác phẩm như Phong cảnh, Cầm đoạn khẩu, Hành vân lưu thủy, Xương tam thán... được đánh giá cao vì phản ánh chân thực cuộc sống của tầng lớp nghèo khó trong xã hội. Năm 2010, bà được trao giải văn học Lỗ Tấn – giải thưởng uy tín hàng đầu Trung Quốc về văn chương.

Theo Theo Bangkok Post, Daily Mail