Thỏa thuận không quá mới
Giới phân tích đã chứng minh điều này, khi trước đó, một thỏa thuận ngừng bắn tương tự cũng đã được công bố hôm 12/2 và dự kiến sẽ có hiệu lực một tuần sau nhưng rồi chẳng ai tuân thủ.
Bởi vậy họ e dè khi đặt câu hỏi liệu thỏa thuận mới này có thành công hay không khi mà Nga và Mỹ đưa ra tuyên bố chung lần này gần y nguyên tuyên bố chung công bố tuần trước.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai văn bản là văn bản thứ hai (thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria) tập trung nói về chấm dứt thù địch trong khi nêu rất ngắn gọn về thời kỳ quá độ chính trị ở Syria.
Cần lưu ý thỏa thuận mới nêu cụm từ “chấm dứt thù địch” chứ không phải “ngưng bắn”. Khác với “ngưng bắn”, “chấm dứt thù địch” có nghĩa rộng hơn, không hạn hẹp trong một khu vực nhất định, không bắt buộc mà tùy thiện chí của các bên đối địch, đồng thời ưu tiên cho hoạt động nhân đạo vì không nói gì đến buông súng hay rút quân.
Vấn đề lưu ý thứ hai là thỏa thuận mới của Nga-Mỹ liên quan đến tất cả nhóm vũ trang, trừ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận Al Nusra và các tổ chức có tên trong danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an LHQ. Câu cuối này rất mơ hồ vì không rõ đó là các tổ chức nào. Đúng ra cần nêu rõ nhóm vũ trang nào phải chấm dứt thù địch và nhóm nào không liên quan.
Ngoài ra cũng cần phải xác định khu vực nào ở Syria phải chấm dứt thù địch bởi các nhóm vũ trang hoạt động riêng biệt như khu vực do IS kiểm soát, khu vực của Mặt trận Al Nusra, khu vực của các nhóm nổi dậy ôn hòa (như Quân đội Syria Tự do) hay khu vực của người Kurd.
Vấn đề thứ ba là thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria quy định sẽ thành lập tổ công tác phụ trách kiểm soát hoạt động chấm dứt thù địch và thiết lập đường dây nóng. Thế nhưng thỏa thuận không nêu tổ công tác và đường dây nóng sẽ hoạt động như thế nào. Chắc chắn các quan sát viên sẽ rất khó làm việc vì tình hình chiến trường Syria rất nguy hiểm.
Vấn đề cuối cùng là dù chính phủ Syria cũng như phe đối lập tuyên bố tham gia thỏa thuận chấm dứt thù địch, các bên lại có quá nhiều lợi ích khác biệt nhau, do đó các nhà quan sát quốc tế nhận định rất khó hy vọng sẽ có ngưng bắn hoàn toàn và tình hình chấm dứt thù địch sẽ kéo dài ở Syria.
Đừng ảo tưởng về thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 25/2, Sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ trong nỗ lực hoàn thành thỏa thuận này nhưng cảnh báo có lý do để hoài nghi.
“Không ai trong chúng ta được ảo tưởng về thỏa thuận này. Chúng ta đều nhận thức được nhiều cạm bẫy tiềm năng, và có rất nhiều lý do để hoài nghi sự thành công của bản thỏa thuận.
Nhưng lịch sử sẽ phán xét chúng ta nghiêm khắc nếu chúng ta không cố gắng kết thúc cuộc xung đột khủng khiếp này bằng chính sách ngoại giao”.
Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ nhấn mạnh thỏa thuận đình chiến không áp dụng cho cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức khủng bố IS. Ông cho biết Hoa Kỳ và các đối tác sẽ tiếp tục không ngừng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nga định điều thêm binh sỹ tới Syria?
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper ngày 25/2 tuyên bố với các nhà lập pháp Mỹ rằng Nga đã “tiền chiếm đóng” với sự can thiệp của họ tại Syria và có thể sẽ sớm có thêm các bước củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ông nhấn mạnh: "Điều đó ảnh hưởng tới suy tính của Nga và là một trong những lý do vì sao họ quan tâm đến việc chấm dứt chiến sự."
Theo giới chức tình báo Mỹ, có một sự mở rộng không ngừng sự hiện diện của Nga tại Syria, nhưng cũng đồng thời lưu ý rằng không thấy có dấu hiệu của bất kỳ sự gia tăng lớn nào trong hoạt động của Moskva trước thời hạn chót mà cuộc ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực là giữa đêm 27/2.
Nhà Trắng trước đó tuyên bố họ đang xây dựng một "kế hoạch B" nếu kế hoạch ngừng bắn tại Syria thất bại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cho biết bất kỳ một kế hoạch B nào được thông qua sẽ dẫn đến những tình huống "đối đầu" mới.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CBS rằng sẽ không có chuyện phân chia các vùng đất của Syria trong kế hoạch B, mà Washington đang tính chuyện sẽ trừng phạt kinh tế đối với Syria và các đồng minh của họ để những lực lượng này suy giảm khả năng tấn công vào các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.
Trước khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch không kích tại Syria hồi tháng 9.2015, nhiều quan chức Mỹ, trong đó có ông Kerry, ủng hộ việc xây dựng một "vùng cấm bay" trên lãnh thổ Syria để bảo vệ các nhóm nổi dậy.