Bất kỳ lúc nào, giờ nào cũng có thể gặp những người đội nắng mưa đợi khách dọc các lề đường quanh ngôi chợ cổ xưa của đất phương Nam.
Trong 100 người ở tuổi lao động, có 1 người xe ôm!
Bác Tốt có lẽ là người chạy xe ôm cao tuổi nhất ở chợ Bến Thành. Năm nay 74 tuổi, bác có thâm niên hơn 15 năm chạy xe. Tóc bác đã bạc trắng, với dáng người cao gầy, bác ngồi trên chiếc xe máy cũ dưới gốc cây để bắt khách.
Giới xe ôm trong chợ nói với tôi rằng “bác cao tuổi quá, chúng tôi chỉ dám gọi bác Tư, không dám gọi tên cúng cơm”. Vợ bác bán nước ở góc đường, tóc cũng bạc như chồng.
Mấy ngày Tết, tôi để ý thấy bác Tư vẫn đón khách. Lúc này phố xá được trang hoàng rực rỡ, ngay sau lưng bác là hình thần tài to tướng. Bác Tư cũng tóc bạc phơ, bác đang đợi những vị khách vãng lai mỏi chân gọi một cuốc xe về nhà sau một ngày đi chơi Tết.
Bác bảo tôi: “Phường Bến Thành lắm xe ôm, cách mấy gốc cây có một bến. Tôi lớn tuổi nhưng cũng tuân thủ quy ước khách gọi ai người đó đi, không chen ngang, giật ngửa”.
Bác cho biết, những ngày Tết, thu nhập cũng chỉ hơn trăm ngàn đồng mỗi ngày thôi. Bác không bao giờ ép khách, giá ngày thường bao nhiêu, ngày Tết vẫn chừng ấy.
Bác Tư bảo: “Ở thôn quê còn ruộng đồng, người công sở có lương hưu, chúng tôi làm dân thành phố chẳng có gì để sống ngoài những nghề bán hàng vặt và chạy xe ôm”. Bác bảo tết nhất anh em nghiệp đoàn cũng được tổ chức hỏi thăm, tặng chút quà. Tiền thưởng Tết dĩ nhiên không bao giờ có. Đến khi ra giêng, người đi chùa, đi lễ nô nức, đưa đi rồi đón về bến, cũng nếm trải không khí mùa xuân.
Cái mà bác Tư gọi là “bến” thực chất chỉ một gốc cây cao hơn đầu người ở góc ngã tư, phía sau là mấy cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm. Bến sáng mát, chiều lại nắng. Lúc mưa tất cả đều ướt rượt. Mưa mới lắm người cần đi xe. Bác đội áo mưa bám trụ ở bến. Bạn bè có một bóng cây xanh mà thôi. Mấy năm nay người đi xe ít. Xe buýt nhiều và taxi cũng nhiều hơn ngày trước.
Anh Dũng, làm trong nghiệp đoàn xe ôm nói: “Xung quanh khu vực chợ Bến Thành có khoảng 520 người chạy xe ôm. Trong số này 220 người sinh hoạt trong tổ chức nghiệp đoàn mặc đồng phục áo xanh. Người không đồng phục nghĩa là xe ôm tự do”.
Diện tích phường Bến Thành chỉ là 0,9297 km2 dân số 17.688 người, mật độ lên tới 19.025 người/km2 , trong độ tuổi lao động là 10.967 người (nữ 6.580 người). Anh Dũng nói: “Khoảng 100 người chạy xe ôm sinh hoạt trong nghiệp đoàn chính là cư dân của địa phương”.
Các bến chủ yếu do anh em trong nghiệp đoàn thay nhau đón khách. Xe ôm tự do tùy cơ ứng biến, họ đón đưa từ các phố khác tới và đón khách quen trở về nhà.
Việc tranh chấp giữa giới xe ôm áo xanh và xe ôm áo đen ít khi xảy ra. Một người chạy xe ôm kể: “Mới rồi công an phạt mấy ông chạy xe tự do tới đón khách cãi nhau, phạt cả triệu bạc để giữ gìn trật tự”.
Liên đoàn xe ôm ở chợ Bến Thành chia làm 22 tổ. Anh Dũng 54 tuổi, tổ trưởng tổ 16. Tổ của anh có 21 người, chia nhau đứng mấy bến. Họ làm theo ca kíp chẳng khác gì công nhân.
Bến ít, phải chia nhau điểm đón khách, một phần nữa là sức khỏe người ta cũng không thể chịu nổi cảnh đầu đường góc chợ suốt cả ngày đêm. “Chúng tôi thường cung cấp thông tin an ninh cho công an, bắt được nhiều tên cướp, giữ vững trật tự chợ Bến Thành” – anh Dũng tự hào kể.
Trước kia, số lượng cả xe ôm lẫn xích lô còn lớn hơn bây giờ. Thành phố cấm xe xích lô nhiều tuyến phố, chỉ còn xích lô dù. Bù lại giờ taxi cũng nhiều hơn. Người chạy xích lô được đền bù, quay sang mua xe máy để chạy xe ôm.
Một người lái xe ôm gốc Huế nói: “Người ta đi việc gấp mới gọi xe ôm, rảnh thì họ sẽ gọi taxi, hoặc tự đi xe máy. Kiếm ăn giờ khó lắm”.
Xe ôm chợ Bến Thành có một tuyến chở rất riêng. Xung quanh chợ có cái bùng binh to tướng, một bến xe buýt trung tâm, công viên… người xe chạy như mắc cửi ngày đêm như dòng thác.
Anh xe ôm người Huế đứng dưới một tấm biển quảng cáo, nắng chang chang. Anh thường chở khách từ bên này đường qua chợ, vòng một khúc cua đèn đỏ, lấy 10.000 đồng một lượt. Người tài xế này bảo: “Xe cộ ngày càng nhiều, dễ gì mà đi bộ sang đường như trước”.
Đôi vợ chồng xe ôm
Chị Hồng có lẽ là người nữ xe ôm duy nhất ở chợ Bến Thành. Vợ chồng anh Long, chị Hồng đã chạy xe ôm ở chợ Bến Thành từ năm 1999.
Anh Long 62 tuổi rồi, trước anh sửa đồng hồ, nuôi vợ con. Khi đời sống khá hơn, đồng hồ hỏng người ta vứt luôn, không sửa, anh đành giải nghệ. Anh chạy xe không đủ nuôi vợ, chị Hồng cũng phải sắm cái xe nữa để mưu sinh.
Vợ chồng lam lũ nuôi nhau, nuôi hai đứa con. 30 năm trải bao sương gió chợ Bến Thành, mái ấm gia đình vẫn trọn vẹn như xưa. Đêm đêm, chị Hồng và anh Long lại đứng dưới biển chỉ đường, lặng lẽ chờ những vị khách cô quạnh độc hành. Người chồng ít nói, nhâm nhi điếu thuốc, người vợ dựa vào chồng, đôi mắt dõi theo những con đường vắng hoe.
Ngày mồng một Tết vừa rồi, ban ngày vợ chồng đi chùa ở Bình Dương, tối về chồng đi chơi cùng bạn, vợ vẫn tiếp tục chạy xe đón khách ở bến cách chợ chừng 100 mét. Hai vợ chồng họ làm cùng một bến. Họ làm ca đêm, 9 giờ tối anh em ca ngày về thì hai vợ chồng ra đón khách đến 5 giờ sáng hôm sau.
Nhà chị Hồng ở quận 4, bề ngang hơn 2 m, chiều dài 7 m, không kinh doanh gì được. Cô con gái đi làm công nhân, con trai cũng theo nghiệp chạy xe ôm.
Chị Hồng năm nay 59 tuổi: “Vào nghiệp đoàn, mỗi tháng đóng phí 20.000 đồng một xe”. Mỗi người mua vài chiếc áo, giá 80.000 ngàn đồng mỗi chiếc. Chiếc áo màu xanh công nhân của chị theo năm tháng cũng bạc màu.
Chị thường mua áo mới để mặc cho đẹp: “Mỗi đêm hai vợ chồng kiếm được hơn trăm nghìn bạc. Chạy khách lòng vòng quận 3 đến Chợ Lớn ở quận 5, qua cầu chữ Y”.
Đi xa khuya, chị không dám, sợ bị bọn tội phạm giết, cướp xe. Chị chưa bị cướp đêm, thỉnh thoảng khách đi không trả tiền, trốn vào ngõ mất tích. Chị đọc báo thấy xe ôm bị cướp cũng nhiều. Chị sợ, nhưng giờ không chạy thì sống làm sao?
Tối mưa, chị ép xe vô lề đường trú. Có khách, chạy ra đi. Đang chạy, hư xe, gọi điện cho chồng đẩy về, sáng hôm sau sửa. Chị đã trải qua hàng ngàn đêm trắng ở chợ Bến Thành, dưới cái cột chỉ đường mang tên người anh hùng Lê Lợi. Mái tóc của chị, như người ta nói, pha bao tuyết sương dù đã nhuộm bao lần.
Chị tâm sự rằng hai vợ chồng chị đều quê ở đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng họ sinh ra lớn lên trong thành phố nên cũng coi như dân thành phố. Bố chồng trước năm 1975 “làm thầy giáo, viết báo, gia đình trí thức. Bố tôi có bút danh hẳn hoi”. Sau bố chồng mất, vợ chồng lam lũ nuôi nhau, nuôi hai đứa con. 30 năm trải bao sương gió chợ Bến Thành, mái ấm gia đình vẫn trọn vẹn như xưa.
Đêm đêm, vợ chồng lại đứng dưới biển chỉ đường, lặng lẽ chờ những vị khách cô quạnh độc hành. Người chồng ít nói, nhâm nhi điếu thuốc, người vợ dựa vào chồng, đôi mắt dõi theo những con đường vắng hoe.
Anh Dũng tổ trưởng nói trong hơn 500 xe ôm ở chợ Bến Thành “một nửa gặp hoàn cảnh khó khăn, do sức khỏe yếu, thu nhập thấp”. Mỗi tháng giao ban, liên đoàn xe ôm lại tìm cách hỗ trợ cho anh em.
Người tổ trưởng cho biết rằng: “Những năm gần đây kinh tế suy thoái, người đi chợ mua sắm chỉ còn bằng một phần của ngày trước thôi, anh em vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Tháng 3- 2013