Làm chủ công nghệ lõi
Huấn luyện bắn súng là nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của mỗi đơn vị. Thực tế, trong quá trình huấn luyện của Quân đội hiện nay ở một số nơi chất lượng còn chưa cao do một số nguyên nhân như người tập ít có điều kiện trải nghiệm thực tế bắn đạn thật, thiếu các thiết bị hỗ trợ huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả bắn…
Chia sẻ về đề tài “Thiết kế, chế tạo thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng tiểu liên” giành giải Nhất của Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23, Thiếu tá Đoàn Văn Dũng - Giáo viên bộ môn Thuật phóng và Điều khiển hỏa lực thuộc Khoa Vũ khí, Học viện KTQS cho biết, đề tài này được anh và hai cộng sự lên ý tưởng nghiên cứu vào năm 2019.
Để đánh giá kết quả ngắm bắn của người tập, thiết bị sử dụng công nghệ mô phỏng bằng laser. Tuy nhiên, các thiết bị trước đây thường không sử dụng được ngoài trời, đặc biệt là khi trời nắng (do bị nhiễu của ánh sáng mặt trời). Với phương pháp xử lý mới, bằng cách kết hợp các bộ lọc tương tự và bộ lọc số, thiết bị đã khắc phục được hiện tượng trên, cho phép làm việc tin cậy dưới mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm, trong phòng và ngoài trời.
“Thiết bị của chúng tôi sử dụng giải pháp năng lượng điện từ để mô phỏng lực giật của súng khi bắn, nhờ đó người tập có được cảm giác bắn sát thực tế. Đây là một giải pháp mới, mang tính sáng tạo mà các sản phẩm tương tự trước đó chưa có. Giải pháp này tạo nên lực giật mô phỏng mạnh, bảo đảm độ tin cậy cao, chi phí thấp và thuận tiện khi sử dụng”, Thiếu tá Dũng nói.
Đại tá Trần Đức Tăng - Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự Học viện KTQS cho biết, thời gian qua, Học viện thường xuyên tổ chức nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học” và “Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ” cho cán bộ, giảng viên, học viên trong Học viện; tích cực khuyến khích cán bộ, ĐVTN tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội. Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23, Học viện KTQS có 41 công trình (đề tài, sáng kiến) dự thi và giành chiến thắng thuyết phục với 3 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và 12 giải khuyến khích.
Cũng theo Thiếu tá Dũng, quá trình thực hiện đề tài, có thời điểm tất cả thành viên trong nhóm dương tính với COVID-19, trong khi các kết quả nghiên cứu lại không thuận lợi. Bên cạnh đó, chi phí cho việc nghiên cứu thực hiện đề tài khá tốn kém trong khi nguồn kinh phí tự chủ hạn hẹp. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã đoàn kết, thống nhất tư tưởng khắc phục khó khăn và đến năm 2021 đã chế tạo thành công thiết bị mang nhiều ưu điểm vượt trội này.
Thành viên nhóm nghiên cứu, Thiếu tá Đinh Đức Mạnh - Trợ lý nghiên cứu thuộc Trung tâm Công nghệ, Học viện KTQS cho biết thêm, nhờ làm chủ công nghệ lõi và quy trình công nghệ gia công chế tạo nên thiết bị có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm khác trong và ngoài nước (chi phí sản xuất chỉ bằng 1/5 so với các sản phẩm có tính năng tương đương). Do đó, TBS-19 có tính ứng dụng cao, có thể sản xuất đại trà để biên chế cho các đơn vị trong toàn quân và các cơ sở giáo dục quốc phòng an ninh.
Huấn luyện nhảy dù thực tại ảo ba chiều
Là một trong 3 đề tài của Học viện KTQS xuất sắc giành giải Nhất, công trình “Hợp tác nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống huấn luyện nhảy dù ứng dụng công nghệ thực tại ảo ba chiều” do Thiếu tá Lê Anh - Trợ lý Phòng Thực tại ảo và Kỹ xảo 3D thuộc Viện Công nghệ Mô phỏng Học viện KTQS làm chủ nhiệm đề tài sẽ giúp cho các đơn vị huấn luyện nhảy dù tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo được an toàn, giảm thiểu các bất trắc có thể xảy ra.
Thiếu tá Lê Anh cho biết, tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ năm 2016, nhóm nghiên cứu đề tài gặp phải khá nhiều khó khăn như thông tin chi tiết về các loại dù, nội dung, số lượng các bài huấn luyện được cấu hình trong hệ thống huấn luyện của nước ngoài theo yêu cầu của từng nước (vốn ít được công bố vì lý do bí mật quân sự); công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong các hệ thống huấn luyện nhảy dù rất hiện đại, một số là bí quyết của các hãng sản xuất nên rất khó tiếp cận và tìm hiểu. Đồng thời, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khảo sát, thử nghiệm sản phẩm tại các đơn vị trong Quân đội và không tổ chức được đoàn khảo sát kinh nghiệm phát triển sản phẩm của đối tác nước ngoài.
“Chúng tôi đã chủ động tìm kiếm các tài liệu công nghệ mới, tiến hành nhiều thử nghiệm để ngày càng hoàn thiện sản phẩm, đồng thời kết hợp với đối tác nước ngoài là công ty VRGroup của Cộng hòa Séc trong thiết kế hệ thống, phát triển mô hình động lực học cho dù, từ đó làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế, chế tạo một hệ thống huấn luyện nhảy dù”, Thiếu tá Lê Anh chia sẻ.
Tính mới, tính sáng tạo của đề tài được thể hiện trên ba nội dung chính: Đây là sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ bởi các cán bộ nghiên cứu trong nước, giúp chủ động được quá trình sản xuất, nâng cấp, phát triển hệ thống theo yêu cầu của Quân đội; hệ thống kiểm tra và huấn luyện được các thao tác của người tập như rời cửa máy bay, mở dù và lái dù, từ đó rèn luyện được bản lĩnh tâm lý, và nâng cao các kỹ năng điều khiển dù và xử lý các bất trắc có thể xảy ra ở trên không; hệ thống được xây dựng có tính mở, có thể được nâng cấp để phục vụ huấn luyện các loại dù cao cấp hơn.
“Hệ thống đã được nghiên cứu, thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm, các xưởng của Học viện KTQS. Sau đó thử nghiệm tại Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. Có giá thành chỉ bằng khoảng 1/2 so với hệ thống huấn luyện nhảy dù của Cộng hòa Séc đang được trang bị tại trường Sỹ quan Không quân, hệ thống được đánh giá cần thiết cho việc huấn luyện trực quan giúp cho người học nhảy dù có được sự trải nghiệm gần giống với thực tế, rèn luyện bản lĩnh nhảy dù, nâng cao kỹ năng đổ bộ đường không rút ngắn quá trình huấn luyện, đồng thời giảm bớt chi phí, trang bị khí tài dù trong thực hành”, Thiếu tá Lê Anh cho biết thêm.