Sức mạnh tên lửa đất đối không tự chế của Nhật Bản

Trang mạng Diplomat ngày 13/11 dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lực lượng phòng vệ bộ binh Nhật Bản (JGSDF) gần đây đã thử thành công tên lửa đất đối không Chu-SAM Kai do nước này tự chế tạo tại một bãi phóng thuộc miền Nam nước Mỹ.
Một tên lửa Chu-SAM(KAI) vừa được phóng khỏi bệ phóng (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Vụ thử tên lửa Chu-SAM Kai đã thành công sau khi tên lửa được phóng từ bãi thử tên lửa White Sands (Cát Trắng) tại bang New Mexico, miền Nam nước Mỹ và đã tiêu diệt 100% mục tiêu. Hiện nhóm 15 tiểu đoàn bộ binh Nhật Bản đang tập trận thử tên lửa tại Mỹ.

Chu-SAM Kai là loại phiên bản tân tiến của tên lửa đất đối không tầm trung do Nhật Bản tự chế tạo. Đây là loại tên lửa đa động cơ đẩy được phóng từ bệ phóng di động. Chu-SAM Kai trước đó được thẩm định vào năm 2014.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Việc phát triển Chu-SAM Kai là nhằm tăng cường khả năng đánh chặn các thách thức, trong đó có tên lửa hành trình. Được ứng dụng các công nghệ cảm biến và hệ thống mạng tiên tiến, tên lửa Chu-SAM Kai sẽ giúp mở rộng khu vực phòng thủ đối với tên lửa hành trình và cũng giúp giảm chi phí mua sắm vũ khí”.

Cũng giống như loại tên lửa Chu-SAM, hệ thống phòng không Chu-SAM Kai được đặt trên bệ phóng các xe tải, bao gồm trung tâm chỉ huy, đơn vị radar, bệ phóng và bộ phận chuyển tải trọng. Xe tải không phải loại xe thiết giáp nên không có lá chắn bảo vệ. Mỗi xe có gắn 6 quả tên lửa, the trang mạng quân sự WeaponSystem.

Tên lửa Chu-SAM có thể truy quét 100% mục tiêu và cùng lúc có thể tiêu diệt 12 mục tiêu bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và các tên lửa hành trình. Tuy nhiên, các công dụng của tên lửa Chu-SAM Kai chưa được tiết lộ.

Kazuhiro Tobo, lãnh đạo phụ trách thử tên lửa Chu-SAM Kai thuộc Viện nghiên cứu và phát triển kỹ thuật (Nhật Bản) cho hay: “Kai là hệ thống phức hợp có trang bị thiết bị cảm biến và được kết nối hệ thống nhằm đánh chặn các máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa có thiết bị đáp ứng nhu cầu để thử tên lửa Chu-SAM Kai”.

Mùa hè năm nay, JGSDF đã tiến hành phóng thử 10 vụ tên lửa đánh chặn các mục tiêu, trong đó có hệ thống mục tiêu GQM-163A Coyote sử dụng phóng tên lửa hành trình siêu âm, theo Diplomat.

Hiện, 15 tiểu đoàn bộ binh (mỗi tiểu đoàn gồm khoảng 30 lính bộ) thuộc JGSDF đang tham gia tập trận và dự kiến kéo dài đến cuối tháng này.

Quân đội Mỹ hoàn toàn ấn tượng về tính chuyên nghiệp của quân đội Nhật Bản. Henry Sedillo, một quan chức khu phóng tên lửa White Sands cho biết: “Đội phụ trách phóng tên lửa của Nhật Bản mà chúng tôi hợp tác rất tuyệt vời. Điều này cho thấy họ có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo chuyên nghiệp”.

Theo Theo Dân trí