Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Nặng gánh mưu sinh

TP - “Hầu hết anh em cựu binh Gạc Ma quê Quảng Bình đều có xuất phát điểm rất thấp: Đa số con nông dân nghèo, tuổi xuân đã cống hiến cho Tổ quốc, học hành thì người cao nhất cũng chỉ tốt nghiệp cấp II, … Sau trận đánh bảo vệ Gạc Ma trở về đời thường anh em không bắt nhịp được với cuộc sống, nên hầu hết sống trong cảnh nghèo túng” - Hội trưởng Cựu binh Gạc Ma tại Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Thống nói về gia cảnh đồng đội mình.
Gia đình ông Thống giờ bán thêm gạo với hi vọng trả được món nợ bị lừa

Ngậm ngùi

Trên chuyến xe cùng phóng viên (PV) Tiền Phong tìm về thăm gia đình đồng đội nhân 33 năm sự kiện Gạc Ma, ông Nguyễn Văn Thống tâm sự: Sau 33 năm rời Gạc Ma, anh em người mất người còn, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng đa số gia đình cựu binh Gạc Ma đều sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần bủa vây. Ngay như gia đình ông Thống, được xem là tốp đầu trong số anh em Gạc Ma (vì có lương thương binh) thì cũng đang gánh món nợ hàng trăm triệu đồng. Ngôi nhà nhỏ hai gác mà gia đình ông đang sống ở tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch là nhờ chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” tài trợ.

Ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma, ông Thống ở trên tàu HQ-604. Sau khi phía Trung Quốc tấn công bất ngờ, tàu HQ-604 chìm, ông Thống bị thương trôi dạt trên biển và bị tàu Trung Quốc bắt làm tù binh. Sau hơn 3 năm bị giam cầm ở bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), ông Thống cùng 9 đồng đội khác được trao trả về Việt Nam.

Cuộc chiến không cân sức tại Gạc Ma đã lấy đi của ông Thống một con mắt bên trái, mất một phần bàn tay và bàn chân. Trở về quê, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống lấy vợ, được địa phương cấp cho một đám đất cạnh chợ Nhân Trạch và giao đảm nhận khâu vệ sinh, thu gom rác trong chợ làm sinh kế.

Cách đây 4 năm, vợ chồng ông Thống quyết tâm vay mượn để đầu tư cho cậu con trai cả đi xuất khẩu lao động sang Úc với hy vọng cải thiện cuộc sống. Do thiếu thông tin, ông đã trao 350 triệu đồng cho một đường dây lừa đảo và mất trắng. “Cò bảo, ông chủ đường dây xuất khẩu lao động này làm to lắm. Do biết tui là thương binh nên ưu tiên con trai tui đi đợt đầu nên giục nộp tiền gấp. Họ may áo quần đồng phục đưa về nói con tui mặc vô, nhập đoàn lên đường ra Hà Nội để bay, ai ngờ chỉ là lừa đảo”, ông Thống kể.

Theo ông Thống, hoàn cảnh gia đình ông như thế là may mắn hơn nhiều gia đình của những đồng đội khác. Ông chỉ đường cho tôi rẽ vào thôn Cù Lạc, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch - nơi có gia đình cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực. Đã 10 năm nay ngôi nhà ấy thưa vắng bóng người. Vợ anh Lực bị bệnh tiểu đường biến chứng suốt ngày nằm viện; còn đứa con trai duy nhất  năm nay đã hơn 30 tuổi nhưng chưa vợ con gì và tha hương kiếm sống ở trong Nam.

Ngôi nhà vẫn mở cửa nhưng gọi mãi chẳng thấy ai ra đón khách. Sâu trong căn phòng tối tăm, ẩm thấp ông Lực đang lục tung tủ thuốc tìm loại đặc hiệu để mang xuống viện cho vợ. Ông Lực nói, vừa chạy từ bệnh viện về, vợ đang trong giai đoạn cuối, cần loại thuộc đặc hiệu mua từ Hà Nội chứ ở bệnh viện không có. Mới 55 tuổi, nhưng tóc ông bạc trắng không khác gì ông già 70 tuổi.

Ông Lực kể, sau trận chiến Gạc Ma, về quê một thời gian ông lập gia đình với bà Đinh Thị Hoa, quê ở xã Liên Trạch. Qua 2 lần sinh nở nhưng vợ chồng ông chỉ nuôi được một người con. Vợ chồng ông cố gắng chăm chỉ làm ăn, ngoài ruộng vườn, còn nuôi thêm bò, lợn... nên cuộc sống gia đình giai đoạn đó cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng, đến năm 2010, bà Hoa đổ bệnh, phải lên bàn mổ đến 3 lần. Hiện nay, bà Hoa còn bị bệnh tiểu đường biến chứng, nằm một chỗ, không đi lại được, người gầy chỉ còn 25kg.

Từ khi vợ đổ bệnh, một mình ông Lực phải chạy vạy khắp nơi lo tiền chữa bệnh cho vợ. Những tài sản có giá như đàn bò 6 con lần lượt phải bán hết, nay không còn gì đáng giá. Hằng ngày, trừ những lúc phải nuôi vợ nằm viện, ông đi phụ hồ để kiếm tiền gạo. “Hiện mỗi tháng số tiền thuốc của vợ tui mất hơn 5 triệu đồng. Gia đình cũng không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền lương thương binh 1,4 triệu đồng/tháng của tôi. Để chữa bệnh cho vợ, thời gian qua tôi đã phải vay anh em bạn bè gần 100 triệu đồng, cũng may anh em thương nên chỉ cho mượn mà không lấy tiền lãi...”, ông Lực ngậm ngùi chia sẻ.

Ông Lực đang lục tìm thuốc đặc hiệu cho vợ trong căn phòng tối tăm, ẩm thấp

Thu nhập từ nghề cắt tóc của ông Sơn trên dưới 100 nghìn đồng mỗi ngày 

Chồng cắt tóc, vợ làm giúp việc nuôi 4 con học đại học

Cũng ở thôn Cù Lạc, cách nhà ông Lực chừng 1km là nhà cựu binh Gạc Ma Trần Xuân Sơn. Gần 10 năm nay, ngôi nhà này cũng thưa vắng bóng người, chỉ còn ông Sơn vò võ một mình, đặt chiếc ghế xoay, dựng tấm kính trước sân nhà hành nghề cắt tóc.

Ông Sơn kể, sau sự kiện Gạc Ma, ông xuất ngũ về quê lấy vợ, sinh được 4 đứa con, 3 gái 1 trai. Ông Sơn bị mắc chứng thoát vị đĩa đệm từ khi ra quân nên mọi công nặng việc nhẹ gì cũng dồn lên vai vợ, kinh tế gia đình cũng không lấy gì khá giả. Nhưng một điều may mắn là 4 đứa con của vợ chồng ông Sơn đều chăm ngoan học giỏi. Cứ lần lượt đứa đầu vào đại học rồi đến đứa út, nên gánh nặng nuôi con ăn học đè lên đôi vai gầy của người vợ. Tiền cắt tóc của ông Sơn ngày chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng, không chu cấp nổi, vợ ông quyết định đi làm giúp việc.

Đã 10 năm nay, vợ ông Sơn phải chịu cảnh xa nhà để kiếm mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng, cùng với số tiền ông Sơn cắt tóc góp vào để nuôi các con ăn học. “Đời mình khổ là do ít học, giờ các con có chí, học giỏi nên khổ mấy vợ chồng tui cũng chịu được, may ra tương lai các con có phần tươi sáng hơn. Vợ chồng tui giờ nợ nần nhiều lắm, cũng may con chị đầu đã ra trường và đi làm ở Hà Nội, tự nuôi sống được mình và thi thoảng còn góp tiền cùng ba mẹ nuôi các em”, ông Sơn tâm sự.

(Còn nữa)

Theo ông Thống, người được xem là khá giả nhất hội cựu binh Gạc Ma ở Quảng Bình là ông Lê Văn Đông ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch nhưng giờ cũng sắp phá sản. Gia đình ông Đông có hơn 1 ha cao su nên cũng có của ăn của để. Cách đây 2 năm, ông Đông hợp tác với một công ty Thái Lan làm trang trại nuôi gà. Điều kiện để hợp tác là ông Đông phải bỏ tiền xây chuồng trại theo mẫu thiết kế của họ. Sau khi hoàn thành họ sẽ cấp giống, thức ăn, thuốc men và bao tiêu sản phẩm, quy mô 20.000 con gà mỗi lứa xuất ra. Ông Đông gom tiền tiết kiệm và vay ngân hàng xây trang trại như yêu cầu của đối tác. Tuy nhiên, không hiểu sao sau khi xây xong, ông Đông không thể xin được giấy phép nuôi gà. Nghe “cò”, ông Đông giao 150 triệu đồng nhờ chạy giấy phép nhưng không được. Đối tác Thái Lan rút lui, món nợ ngân hàng của ông cứ thế nhân lên theo ngày tháng.