Với lượng mưa đổ xuống liên tục nhiều ngày gần bằng đỉnh trận lụt lịch sử năm 2008, nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã bị ngập chìm, hàng trăm ha hoa màu vụ đông bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm tấn cá đến thời điểm thu hoạch bị vỡ theo dòng nước để lại những thiệt hại nặng nề về kinh tế với người dân, đặc biệt là dân cư các xã nằm giáp đê Bùi 2 là Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Tân Tiến
Trắng đêm kết bè cứu lợn
Có mặt tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) những ngày mưa lũ, xung quanh chỉ toàn một mặt nước mênh mông. Tại thôn Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ) - một trong những thôn bị lũ bao vây, khắp các ngả đường đều bị ngập sâu, trục đường chính đi qua thôn bị ngập nhiều ngày trong nước từ 50 - 70cm khiến các phương tiện không thể đi lại. Muốn ra ngoài, người dân chỉ có thể đi bộ, hoặc thuê xe cải tiến kéo qua những điểm ngập sâu. Không giấu được sự mệt mỏi, bà Thanh (70 tuổi) cho hay, nước lũ lên quá nhanh khiến ai ai cũng bất ngờ. Có lẽ gần chục năm nay nước mới hung dữ như thế khiến người dân không kịp trở tay. Nước lũ lên cao trong đêm, điện bị cắt khiến cả làng đốt nến như trong thời chiến. Thanh niên làng cùng nhau kết bè để đưa lợn, gà lên tránh nước.
“Tôi ngâm trong nước lạnh để cứu 3 con bò và 2 con lợn được lên chỗ cao an toàn. “Thế nhưng lợn bị ngâm nước lâu nên cả ngày hôm nay bỏ ăn, mệt mỏi, chỉ thấy nằm thở”, bà Thanh lo lắng.
Bà Thanh vẫn là trường hợp may mắn khi cứu được nhiều tài sản, gia súc, bởi nhiều trường hợp lợn gà hoa màu cùng bị cuốn trôi hết theo dòng nước lũ. Đứng chỉ tay về phía đồng nước mênh mông trước mặt, ông Huy (xã Tân Tiến) nghẹn ngào nói: “Nhà tôi giờ chỉ còn thấy cái mái ngói kia thôi, ngót chục năm nay mới thấy lũ kinh hoàng như thế”. Cách đó một đoạn là 10 sào dưa chuột sắp đến ngày thu hoạch. Thế nhưng người tính không bằng trời tính, sau một đêm gần trăm triệu mất trắng.
Không nằm trong tâm điểm ngập lụt thế nhưng thiệt hại về thủy sản tại các xã khác trên địa bàn Chương Mỹ cũng vô cùng nặng nề. Anh Dũng (thôn Phú Mỹ, xã Trần Phú) cho hay, gia đình thuê 28 ha nuôi cá. Mua cá giống từ đầu năm với vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng, tiền cám thức ăn cho cá đến nay cũng đã ngót nghét 2 tỷ đồng. Thế nhưng, nước lũ lên cao tràn đê khiến gia đình anh chỉ biết xót xa nhìn 60 tấn cá trôi tuột dần. “Chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ từ phía địa phương, giúp các hộ dân giảm được một phần thiệt hại. Có chút vốn liếng để làm lại từ đầu”, anh Dũng nói.
Trao đổi với PV, ông Cao Văn Võ (trưởng thôn Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ) cho hay, do mưa lũ nên diện tích lúa và hoa màu của thôn đã bị ngập 100%. Đặc biệt gần 30 hộ nuôi cá ở thôn bị ngập, mất trắng toàn bộ. Toàn bộ gần 60 tấn cá trưởng thành, nuôi từ đầu năm sắp đến kỳ thu hoạch nay trôi theo nước lũ. Thống kê của trưởng thôn Thuần Lương đến ngày 13/10 cho biết, toàn thôn có trên 30 hộ gia đình nuôi cá rơi vào cảnh mất trắng. Hộ thấp nhất là thả 500m2 mặt nước, hộ nhiều nhất là 19.000m2. Ngoài thiệt hại về thuỷ sản, nhiều hộ dân tại thôn Thuần Lương trồng hàng nghìn m2 dưa chuột cũng rơi vào cảnh trắng tay do nước ngập quá nhanh không kịp thu hoạch.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu vực đê Bùi 2 (đoạn Yên Trình - Tân Tiến) thuộc địa phận xã Hoàng Văn Thụ - nơi xảy ra sự cố sạt tràn làm ngập nhiều khu vực, đến nay đã được đóng cọc tre và thả đá hộc để cản dòng chảy. Đồng thời khống chế để điểm sạt không mở rộng thêm. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Chương Mỹ, diện tích lúa mùa chưa thu hoạch bị ngập 102,8ha; diện tích cây vụ Đông bị hư hỏng là 919,8ha; diện tích thủy sản bị ngập là 676,9ha. Gia súc (chủ yếu là lợn) bị chết 444 con, gia cầm bị chết 87.648 con.
Hỗ trợ tối đa cho dân trong vùng bị cô lập
Ngày 13/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến đã liên tục túc trực tại các thôn, xã bị cô lập để kịp thời chuyển đồ cứu trợ. Trao đổi với Tiền Phong, ông Hiến thông tin: Tới thời điểm trưa cùng ngày, nước ở thượng nguồn vẫn tiếp tục dồn xuống nên mực nước ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên… cao hơn chứ không rút. Một số thôn, xã ở sát sông Bùi bị ngập hoàn toàn, các tuyến đường liên thôn bị chia cắt. “Chúng tôi đưa ra 3 ưu tiên, đầu tiên là tính mạng con người, sau đó là tài sản, rồi sơ tán gia súc gia cầm”, ông Hiến nói. Riêng với thiệt hại về thủy sản, nhà nào sớm đánh bắt được bao nhiêu thì bớt thiệt hại được bấy nhiêu.
Các đơn vị chức năng của huyện cũng đã tiến hành xây dựng kế hoạch sơ tán 618 hộ với 5.558 nhân khẩu. UBND huyện cùng với các xã, thị trấn, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn đã huy động 1.812 lượt người tham gia hộ đê, sơ tán cứu dân. Ngoài ra, còn huy động 2 xuồng máy, 16 xe ô tô của lực lượng quân đội và nhiều loại phương tiện huy động của nhân dân. Tuy nhiên, hiện một số xã, thị trấn bị ngập nặng như: Thị trấn Xuân Mai (khu Trại màu trồng cây ăn quả), diện tích 22,7ha bị ngập sâu trên 2m; xã Thủy Xuân Tiên (các thôn Xân Linh, Xuân Sen, Xuân Thủy, Gò Cáo); các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ đang bị ngập nặng do ảnh hưởng nước sông Bùi dâng cao.
Lãnh đạo huyện đã yêu cầu bằng mọi cách vận chuyển nước lọc, mỳ tôm và nến vào cho nhân dân vùng bị nước lũ cô lập. Làm việc với PV cùng ngày, ông Đinh Mạnh Hùng, - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện UBND huyện đang huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả do trận lụt gây ra, đặc biệt là không để người dân nằm trong những vùng ngập bị đói. Song song với đó, huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn khẩn trương thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân.