Sóng ngầm Nguyễn Ngọc Tư

TP - Nguyễn Ngọc Tư là người ít bộc lộ mình, ít tuyên ngôn, thậm chí, ở chốn đông người, chị thường nép vào một góc khuất để lắng nghe, đôi khi thấy chị tủm tỉm cười với đôi người quen biết. Tuy vậy, bên trong con người nhà văn của sông nước này, dường như luôn có những con sóng ngầm, dù chị luôn sợ những mảnh vỡ và luôn tránh xa giông bão…
Ảnh: Nguyễn Đình Toàn
Ảnh: Nguyễn Đình Toàn.

Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chị thấy năm 2010 của mình thế nào?

Tôi cũng khá… hài lòng!

Thành công tiếp nối thành công, đó là Ngọc Tư, tôi có cảm giác, vận may đang đeo bám chị?

Nhìn thì có vẻ tôi được nhiều người ưu ái nhớ đến.

Không chỉ nhớ, mà còn nhắc hoài, như vụ phim Cánh đồng bất tận vừa xong?

Tôi vẫn nghĩ năm nay không quá tồi, nhưng không phải vì bộ phim đó. Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình.

Chị có ngại người ta nói là mình “ăn theo”?

Không, tôi có ăn đâu mà theo.

Nguyễn Ngọc Tư được nhận xét là một người có sự thâm trầm rất duyên dáng. Tưởng thì hiền và yếu đuối song kỳ thực lại là một người khá… dí dỏm và thậm chí hơi đanh đá (?) trong cách đấu khẩu và tôi có cảm tưởng rằng, trong chị có một nghị lực khá phi thường?

Ôi, bạn thấy tôi đanh đá hồi nào thế? Ừ thì chữ tôi có chút đanh đá, nhưng miệng tôi hiền khô mà. Bạn bè tôi ai cũng nói, từ ngữ từ những ngón tay tôi (qua thư, chat, hay tin nhắn) thì sinh động lanh lợi hơn là khi thể hiện bằng lời nói. Có những chuyện mình nghĩ ra được nhưng khó nói bằng lời được.

Chị có nhớ kỷ niệm về những trang viết đầu tiên đã đưa chị đến với văn chương?

Tôi lấy tên anh trai mình làm bút danh khi viết tác phẩm đầu tay vì nghĩ rằng viết văn là một việc làm kỳ cục lắm. Đến giờ vẫn nghĩ ôi cái công việc của mình quái dị làm sao, khác thường thế nào ấy…

Có vẻ như chị luôn có sự may mắn?

Ngược lại, tôi thường thất bại, có thể nói là thất bại tỉ lệ khá cao. Tôi bỏ chúng vào ngăn kéo và quên đi, quên đến nỗi khi đọc lại tôi không nghĩ là mình đã viết ra những trang này. Chỉ những người từng làm việc với tôi mới hay tôi cũng vật vã khổ ải với chữ nghĩa, chứ không phải đặt tay lên bàn phím là văn vẻ tuôn trào.

Những lúc đó chị đã làm thơ?

Tôi chỉ lấn sân tí thôi, nhưng rõ ràng, có những cảm xúc những ý nghĩ không đi dài hơi thành truyện thế là tôi tận dụng vào… thơ. Tôi là kẻ tham lam, không muốn bỏ xó một cảm xúc nào, vì đến một lúc nào đó mình sẽ rỗng đi.

Cuộc sống gia đình có là bến đỗ bình an với chị không?

Tôi theo chủ nghĩa tương đối, cảm thấy lúc này cuộc sống của mình cũng được… Tôi cố gắng để không gì có thể làm xáo trộn tổ ấm của mình. Tôi ít mang văn chương, không mang Nguyễn Ngọc Tư về nhà, hoặc có thì tôi che giấu đi, tôi chỉ là vợ, là mẹ của hai nhóc con.

Ngọc Tư sống quá bình yên và lặng lẽ, chẳng có scandal, không có sự nổi loạn… Những phẩm chất này hình như rất ít nữ nhà văn đương đại có được?

Ôi tôi thấy nhiều người viết còn lặng lẽ hơn tôi. Họ ẩn dật trong một góc tối nào đó, miệt mài làm việc. Và mỗi khi nhớ tới họ, đọc tác phẩm mới nhất của họ, tôi lại nghĩ mình ở ngoài sáng hơi nhiều, phơi bày mình hơi nhiều (ví dụ như ngồi trò chuyện với bạn đây, thực chất là một cuộc phơi bày). Còn nổi loạn á, tôi cũng nổi loạn theo kiểu của tôi, cũng có những cơn sóng ngầm…

Có lúc nào chị muốn phá bung mình lên để giải thoát cái tôi cá nhân, (cũng có thể bằng cách viết văn)?

Tôi chết nhát lắm, phá thì dễ nhưng xây lại khó. Và những mảnh vỡ đó có thể làm đau ai khác, ngoài tôi.

Nguyễn Ngọc Tư dường như được ông trời dành cho nhiều sự ưu ái,… có lúc nào chị thấy cũng khá… khâm phục mình không?

Có chứ. Tôi tự khen tôi miết, bảo rằng mày vậy là giỏi là đã cố gắng gấp đôi rồi. Sống chậm lại thôi, đừng vội. Chơi đi. Và tôi quyết định mình sẽ dành cả năm tới để… chơi.

Những ngày tết, chị thường làm gì?

Loanh quanh thăm họ hàng. Ngủ. Chơi với con. Có tết tôi nhận ra chỉ dịp này tôi và chồng mới đi chung… xe.

Chị có cảm giác gì khi vừa cuối năm nay, có người lại muốn chuyển thể một tác phẩm của chị sang điện ảnh?

Tôi thấy vui vì sắp lại được… đi xem phim! (cười)

Xin cảm ơn chị!

Theo Báo giấy