Sống, để chia sẻ cộng đồng

TP - Dù mang trọng bệnh hay ngồi xe lăn, những bạn trẻ này vẫn hoạt động vì cộng đồng, truyền đi ngọn lửa sống, nghị lực mạnh mẽ trong thanh niên.
Nguyễn Nguyệt Nga (áo xanh) thăm tặng quà gia đình khó khăn tại phường

> Cần chính sách cụ thể cho tình nguyện viên

Nguyễn Nguyệt Nga (áo xanh) thăm tặng quà gia đình
khó khăn tại phường.

Bí thư Đoàn phường Khương Đình (Hà Nội) Nguyễn Nguyệt Nga (SN 1980) từng 16 lần hiến máu, đi đầu trong nhiều phong trào sáng tạo tình nguyện vì cộng đồng. Không thể tin nổi, khi Nga phát hiện trong mình căn bệnh u não. Bảy năm làm Bí thư Đoàn phường, Nga cùng thanh niên mở quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm tạo việc làm cho đoàn viên, gây quỹ giúp Đoàn tổ chức những chuyến du lịch, đưa phong trào hiến máu nhân đạo của phường dẫn đầu quận Thanh Xuân.

Sáng kiến Lợn nhựa tiết kiệm do Nga phát động gắn kết tinh thần sẻ chia trong thanh niên và người dân ở phường. Nguyệt Nga cho biết. Năm 2010-2011, bội thu được 30 triệu đồng từ lợn nhựa, Nga và các ĐVTN dành để sửa chữa nhà dột nát cho thanh niên xung phong, tặng học bổng trẻ em, chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam, người nghèo trong phường và ủng hộ người Nhật Bản trong thảm họa sóng thần.

Bệnh u não cướp đi của tôi cơ hội làm mẹ. Tôi cũng thấm thía cảnh một gia đình không hạnh phúc sẽ thế nào khi chứng kiến bố mẹ chia tay lúc tôi mới 6 tuổi, nên hiện tại tôi tìm niềm vui trong những hoạt động vì cộng đồng, thấy cuộc sống này dài và ý nghĩa hơn”, Nga tâm sự.

 

Biết tin u não khi 25 tuổi, Nga suy sụp tinh thần, tuyệt vọng và muốn từ bỏ tất cả. “Không biết cuộc đời sẽ ra sao, còn sống được bao lâu, tôi bỏ dở việc học lên ĐH và không thiết làm việc”, Nga tâm sự. Khi đó, Nga đã tốt nghiệp Trung cấp mầm non, trở thành cô giáo và về phường Khương Đình làm công tác Đoàn. Nhưng rồi Nga nghĩ mỗi người mỗi cảnh và quyết tiếp tục học ĐH. Cô học hệ tại chức Học viện Tài chính ngành kế toán, dành nhiều tâm huyết cho hoạt động tại phường.

Khuôn mặt biến dạng sau hai lần mổ chữa trị, cô gái tuổi Canh Thân không dám nghĩ tới việc xây dựng gia đình mà phó mặc điều đó cho duyên số. Rong ruổi khắp nơi, có khi vào miền Trung trong mùa lũ cùng những thùng quà cứu trợ, Nga không màng tới sức khoẻ.

“Tôi cảm thấy ổn mà, còn sống còn cống hiến để vui hơn, nhiều người còn khó khăn hơn, cần mình hỗ trợ”, Nga tâm sự. Nga cũng vừa hoàn thành xong thủ tục hiến giác mạc và cho rằng đây cũng chỉ là một việc nhỏ chia sẻ với cộng đồng.

Nguyệt Nga vừa được vinh danh là một trong 10 tình nguyện viên nhận Giải thưởng tình nguyện 2011 do T.Ư Đoàn và Chương trình Tình nguyện Liên hợp quốc (UNV) trao tặng.

Nguyễn Công Hùng. Ảnh: H.Y.

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

“Thấy những người khuyết tật như mình cần được hỗ trợ nhiều hơn về việc làm, nâng cao sức khỏe tinh thần, vì cuộc đời đó, biết bao lâu mà hững hờ như lời một câu hát. Tôi muốn giúp bạn đồng cảnh ngộ vượt qua khó khăn”, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống Nguyễn Công Hùng (SN 1982) chia sẻ.

Anh dành toàn bộ thời gian, công sức cho những hoạt động hỗ trợ người khuyết tật dù mình bị teo cơ từ nhỏ, đi lại trên xe lăn và sinh hoạt hàng ngày phải nhờ người trợ giúp. Lập ra Trung tâm Nghị lực sống từ năm 2003, Công Hùng giúp đào tạo tin học, ngoại ngữ, kết nối việc làm, xin học bổng, tài trợ xe lăn... cho người khuyết tật.

Sinh ra ở Nghi Lộc (Nghệ An), từ nhỏ Công Hùng tự mày mò máy tính, tự học tiếng Anh và rinh về nhiều giải thưởng, được phong danh hiệu Hiệp sỹ công nghệ thông tin với nghị lực phi thường. Hiệp sỹ phi thường đã tạo ra nhiều chương trình để lại dấu ấn sâu sắc trong cộng động tình nguyện như chuỗi hoạt động thường niên Điều kỳ diệu của cuộc sống; Gửi người một niềm vui, Mang trung thu đến vùng lũ quét; quyên góp giúp trẻ em nghèo vùng cao nguyên đá Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An... hàng trăm triệu đồng.

Khó khăn đi lại, Hùng sử dụng internet là công cụ chính để giao tiếp, phát động chương trình thiện nguyện. “Tôi thấy hạnh phúc khi truyền đi cho nhiều bạn trẻ bị khuyết tật nghị lực sống, động lực vươn lên mạnh mẽ để khẳng định họ tàn nhưng không phế”, Công Hùng chia sẻ.

Hoạt động tình nguyện đã xe duyên cho anh với cô gái. Hai người gặp nhau trong một chương trình tình nguyện do anh tổ chức. “Đây là một quà tặng bất ngờ. Hiện cả hai đều dồn tâm huyết cho các hoạt động cộng đồng”, Công Hùng tâm sự.

Trong 10 năm qua, Hiệp sỹ phi thường Nguyễn Công Hùng nhận hàng loạt giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Thanh niên tiêu biểu, một trong 80 điển hình có ảnh hưởng rộng rãi tới cộng đồng qua phong trào Đoàn; Nhân tài đất Việt...và mới đây nhất là Giải thưởng Tình nguyện 2011. Anh chia sẻ, sẽ không ngừng hoạt động bởi “vẫn còn nhiều người cần mình; vẫn còn nhiều người có thể thay đổi tích cực hơn từ hành động, lời nói của mình”.

Theo Báo giấy