Theo Daily Star, quá trình phun trào của ngôi sao nam châm này được các nhà khoa học quan sát trong 1/10 giây. Nhưng trong quá trình này, nó đã giải phóng năng lượng tương đương với của 1 tỉ Mặt trời. Hay nói cách khác, nguồn năng lượng này tương đương với năng lượng Mặt trời tạo ra trong 100.000 năm, theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Valencia.
Giáo sư Victor Reglero, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: 'Vụ nổ của ngôi sao nam châm kéo dài khoảng 1/10 giây, được phát hiện vào ngày 15/4/2020. Một con quái vật vũ trụ thực sự".
"Ngay cả khi ở trạng thái không hoạt động, các sao nam châm có thể phát sáng gấp một trăm nghìn lần Mặt trời của chúng ta", Giáo sư Alberto J. Castro-Tirado thuộc Viện Vật lý thiên văn Andalucía tại Hội đồng Nghiên cứu Tây Ban Nha, tác giả chính của nghiên cứu giải thích thêm.
Ngôi sao nam châm là một loại sao neutron có từ trường cực mạnh và thường bùng phát một cách dữ dội trong nháy mắt mà không có dấu hiệu báo trước.
Sao neutron được hình thành từ những gì còn sót lại do sự sụp đổ của một ngôi sao lớn sau các vụ nổ siêu tân tinh - còn gọi là sao siêu mới. Vụ nổ siêu tân tinh diễn ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa một ngôi sao.
Một ngôi sao neutron có khối lượng tương đương 1,3 - 2,5 lần khối lượng Mặt trời (hay tương đương khoảng 330.000 khối lượng Trái đất) nhưng lại được nhồi nhét trong một quả cầu chỉ có đường kính 20km.
Do đó, vật chất trong sao neutron được nén đặc đến mức chỉ một lượng bằng một viên đường sẽ nặng hơn 1 tỉ tấn. Lực hấp dẫn của sao neutron mạnh đến mức một viên kẹo dẻo đi qua va vào bề mặt của ngôi sao sẽ tạo ra một lực bằng 1.000 quả bom hạt nhân.
Giáo sư Alberto nhấn mạnh, sao nam châm có từ trường mạnh gấp 1.000 lần so với từ trường của các sao neutron khác và chúng mạnh hơn bất kỳ vật thể từ tính nào khác trong vũ trụ.
Các nhà khoa học cho biết, lý do dẫn đến các vụ phun trào của ngôi sao nam châm vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, họ nghi ngờ rằng chúng có thể là do sự bất ổn trong lớp từ (từ quyển) của các ngôi sao, hoặc do một loại "động đất" trong lớp vỏ của chúng.