Đang vào mùa trái cây chính vụ nhưng nhiều hộ dân ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước lại cho thuê cả vườn hoặc bán mão để được mức giá ổn định, thu tiền một lần. Bà con lý giải, cách làm này vừa tránh được tình trạng tư thương ép giá vừa đỡ nỗi lo mất mùa.
Ngay từ đầu vụ, nhiều "cò" vườn và đại lý thu mua đã về các vùng trái cây nổi tiếng như Long Khánh (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương) để săn tìm vườn tốt.
Ông Nguyễn Văn Dõi, một đại lý thu mua măng cụt ở Lái Thiêu, cho biết, vài năm trở lại đây, các nhà vườn ở huyện Thuận An không còn cân trái cây để bán, mà chuyển hết sang hình thức bán mão, tức tính đầu cây lấy tiền hoặc cho thuê cây. Giá một cây măng cụt vụ này là 300.000 đồng 3 tháng. Mức này sẽ giảm còn 100.000-200.000 đồng nếu thời hạn thuê từ một năm trở lên, thương lái tự chăm sóc cây.
Bỏ ra hơn 100 triệu đồng để thuê gần 100 cây măng cụt, sau khi trừ hết chi phí phân bón, công chăm sóc, thu hái, mùa này, ông Dõi lời hơn 30 triệu đồng. “Trước khi quyết định, người thuê phải quan sát xem lượng bông và trái từng cây, để định đúng mức giá, nếu không rành cách 'độ' sản lượng cầm chắc lỗ. Sau đó, chúng tôi còn phải thuê cả người chăm sóc, giữ cây để tránh bị hái trộm", ông Dõi nói.
Theo một chủ vườn ở Long Khánh, người thuê phải thanh toán 100% tiền khi nhận vườn. Ngoài ra, họ phải tự giữ cây, thu hoạch xong mới trả lại cho chủ. Thường những người thuê vườn là thương lái đến từ các chợ, cửa hàng, đại lý nông sản lớn ở địa phương và TP HCM.
Với cách mua bán này, các đại lý chủ động được số lượng trái cây, mức giá và quan trọng hơn là dự trữ được trái chín ngay trên cây để phân phối theo nhu cầu thị trường, tránh dội chợ.
Anh Thạo, chủ một cửa hàng trái cây ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP HCM cho biết, cửa hàng anh đang thuê 6 vườn trái cây ở Long Khánh, chủ yếu là xoài và chôm chôm nhãn, với mức giá 20-30 triệu đồng/ha. Anh thuê ngay khi cây vừa ra trái và được thu hoạch đến hết mùa.
Cũng theo anh Thạo, ngoài số lượng thu về bán sỉ tại chợ, khi có khách đặt hàng số lượng lớn, anh sẽ cho xe tải xuống vườn hái và trực tiếp giao cho khách tại đây. Cũng nhờ vậy mà anh chủ động được lượng bán ra.
Anh Lã Đức Tuấn là chủ 2 vườn chôm chôm ở Long Khánh, Đồng Nai. Đang chính vụ thu hoạch nhưng giá chôm chôm chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg với loại thường và 4.500-6.000 đồng/kg với chôm chôm nhãn. Trong khi các hộ khác lo lắng cảnh được mùa, mất giá thì anh Tuấn thở phào. Ngay từ đầu vụ, vợ chồng anh đã cho thuê cả hai vườn với giá tổng cộng 50 triệu đồng.
Anh cho hay, mấy năm gần, cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra khá thường xuyên. Do đó, việc cho thuê vườn, bán mão giúp anh và các chủ vườn khác cầm chắc sso tiền ổn định, không hồi hộp lo thương lái ép giá. "Thời gian rảnh, tôi làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Sau khi hết vụ, lúc người thuê trả vườn, tôi sẽ quay lại chăm sóc, chuẩn bị cho vụ sau”, anh Tuấn cho biết.
Ở miền Đông Nam Bộ có hai hình thức mua bán trái cây: bán ký và bán mão. Bán ký thì chủ vườn sẽ tự mình cân ký để bán cho thương lái; còn bán mão thì thương lái thỏa thuận giá cả với chủ vườn mua toàn bộ trái cây trong vườn.