Số phận phim có H’Hen Niê sau cú sốc phòng vé

TPO - Sau thất bại không khó đoán ở Oscar, phim hành động của H’Hen Niê ''578: Phát đạn của kẻ điên'' sắp tới lên đường tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế Moscow lần thứ 45. Giới sành phim, như cũ, cho rằng rất khó hy vọng bộ phim này làm nên chuyện. Và dưới đây là những lý do.

Có lịch sử lâu đời thứ hai trên thế giới nhưng LHP Moscow trong thứ bậc của các LHP quốc tế vẫn chỉ khiêm tốn đứng ở chiếu ba, chiếu tư. Án ngữ lừng lững trước nó là LHP Cannes, Berlin, Venice...

Vẻ đẹp của H'Hen Niê cũng không cứu được doanh thu của phim.

Cú sốc phòng vé 3,5 tỷ đồng

Lại nói thêm, hạng mục mà bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng được mời tham gia có tên Wild Nights không phải là hạng mục chính. Năm nay, LHP Moscow có 12 phim đề cử để xét giải Phim xuất sắc nhất, tất nhiên, Phát đạn của kẻ điên không nằm trong số này.

Ở thị trường trong nước, Phát đạn của kẻ điên chịu một cú sốc phòng vé khi chỉ thu về 3,5 tỷ đồng tiền bán vé (theo số liệu của Box Office Vietnam) trong khi kinh phí đầu tư lên đến 60 tỷ đồng. Phim kể về hành trình báo thù của một ông bố đơn thân tên Hùng (Alexandre Nguyễn), hòng tìm lại công lý cho con gái anh - bé An.

Bộ phim bắt đầu với những hình ảnh ít có trên màn ảnh Việt: Cuộc sống du mục nên thơ trên “nhà container” của hai cha con Hùng – An. Cho đến một ngày, An mất tích bí ẩn rồi quay về với nhiều vết thương trên cơ thể, tâm lý bị sang chấn nặng nề. Hùng đưa con vào viện tâm thần, giao con cho cô giáo chăm sóc rồi bước vào con đường báo thù không lối về.

Phim có mô típ giống với Đứa trẻ thay thế.

Mô típ phim không mới

Ở phiên bản nữ của nó, ta đã có Đứa trẻ thay thế (Changeling - 2008) rất ám ảnh của đạo diễn lừng danh Clint Eastwood. Chuyện phim xoay quanh Christine Collins (Angelina Jolie đóng), một bà mẹ đơn thân làm nhân viên tổng đài. Cô và con trai có một cuộc sống rất yên bình. Thế rồi, bất ngờ con trai của Christine bị bắt cóc. Cô tìm kiếm khắp nơi mà không có tung tích gì về cậu bé. Đến đây, có thể thấy Lương Đình Dũng đã “gặp” Clint Eastwood về mặt ý tưởng, xương sống của hai phim gần như không khác gì nhau.

H'Hen vào vai một cảnh sát chìm.

Tất nhiên, vì không có võ thuật và không có quá khứ là đặc công nên Christine chỉ có thể cầu cứu khắp nơi trong khi Hùng không cần bất cứ sự trợ giúp nào, cứ thế đơn thương độc mã vào sào huyệt của xã hội đen để trước là tìm con, sau là trả thù.

Diễn biến tâm lý và biểu cảm đau đớn, tuyệt vọng rồi lại hy vọng của Christine sinh động bao nhiêu, thì diễn viên Việt kiều Alexandre Nguyễn “ổn định” bấy nhiêu. Biểu cảm phẫn nộ, lo lắng, hăm dọa... của anh chỉ có một: Đó là trợn mắt nhìn lên sao cho phô bày nhiều lòng trắng nhất có thể.

Biểu cảm thường thấy của nam chính.

Kịch bản lỏng lẻo

Kịch bản lỏng lẻo, thiếu logic là một nguyên nhân khiến phim hành động, tâm lý của Lương Đình Dũng thiếu thuyết phục.

Đơn cử, việc Hùng khi phát hiện con bị mất tích mà không hề có phản xạ báo công an hoặc tìm kiếm những sự trợ giúp khác, chỉ đơn độc đi tìm là một chi tiết khó hiểu cả về mặt tâm lý và thực tế. Người xem có cảm giác đạo diễn cố tình tạo ra tình huống như vậy để phô diễn sự toàn năng của người cha. Hay việc một đứa bé 6 tuổi vừa bị lạm dụng, bạo hành, sốt cao... vẫn có thể trốn thoát thần kỳ khỏi hang ổ của bọn buôn người mà không có bất cứ sự trợ giúp nào cũng là sắp đặt vụng về khác.

Hùng dù có quá khứ là đặc công, trong điều kiện địch nhiều ta ít, lại không hề có vũ khí phòng thân vẫn hết lần này đến lần khác một mình vào hang ổ bọn buôn bán vũ khí, ma túy, buôn người được cho là “một lựa chọn mất não”.

Thảo Tâm trong vai cô giáo của An.

Cảnh Bảo Vy của H’Hen bị hỏng xe trên đường núi và phải dùng đến cả mỹ nhân kế nhưng vẫn không thể khiến bất cứ chiếc xe nào dừng lại trợ giúp đã bị cộng đồng ôtô phẫn nộ tập thể. Rồi phân đoạn cả đám nữ quái được thuê xử đẹp Hùng lại chỉ biết ném phấn màu kéo anh ra khỏi xe để la hét khiến nhiều người “cười té ghế”.

Ở đoạn kết, trong khi Clint Eastwood để cho Christine tiếp tục tìm kiếm đứa con thì bé An sau những sang chấn nặng nề lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” giống như chưa từng bị trầm cảm nặng đến mức Hùng chỉ dám nhìn con từ xa và khóc khiến ngay cả những khán giả thích happy ending cũng cảm thấy quá khiên cưỡng.

Bảo Vy phải mặc hở để vẫy xe nhờ trợ giúp nhưng vẫn không ai dừng lại.

Nam chính đơ, H’Hen Niê đóng phim không khác gì đi trên sàn diễn

Về mặt diễn xuất, diễn viên Alexadre Nguyễn ngoài ngoại hình góc cạnh, đẹp trai kiểu Johnny Trí Nguyễn thì diễn xuất khá đơ, nhất là ở những màn nội tâm. H’Hen Niê đóng phim không khác gì đi trên sàn diễn và nhả thoại thì giống hệt giọng của AI.

Các vai cậu ấm có sở thích ấu dâm và đám giang hồ tay chân của trùm xã hội đen thì đều bị nhầm phim trường với sân khấu kịch. Rất khó để tìm một biểu cảm không lên gân và một câu thoại không gằn giọng, giả trân của đám người này trong phim.

Các đại cảnh trong phim đều được trau chuốt tạo hiệu ứng thị giác tốt.

Cái được nhất của 578 Phát đạn của kẻ điên có lẽ là ở phần hình ảnh và hành động. Hình ảnh phim được chau truốt và đầu tư kỹ lưỡng tạo ra những trường nhìn đã mắt, nhất là khung cảnh Tây Bắc ở những góc rộng. Phần hành động cũng khá mãn nhãn, quan trọng nhất là sạch, gọn chứ không lạm dụng máu me như Thanh Sói của Ngô Thanh Vân khiến khán giả phản cảm.