Số phận long đong của tiêm kích hạm MiG-29K Nga

Vụ tai nạn máy bay tại Địa Trung Hải ngày 14/11 chỉ là một trong những dấu ấn đáng buồn trong dự án phát triển tiêm kích hạm MiG-29K Nga.
Một chiếc MiG-29KUB trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: Migavia.

Một chiếc tiêm kích MiG-29K của Nga hôm 14/11 đã rơi khi chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ngay trong lần triển khai đầu tiên đến Địa Trung Hải để tham gia chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Dù phi công đã nhảy dù và được giải cứu an toàn, đây vẫn là một màn "chào sân" tệ hại của dòng tiêm kịch hạm có hành trình phát triển đầy gian nan này, theo Fly Fighter Jet.

MiG-29K (NATO định danh: Fulcrum-D) là tiêm kích đa năng dành cho tàu sân bay do phòng thiết kế Mikoyan phát triển vào cuối thập niên 1970. Nó được xây dựng trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm MiG-29M. Mikoyan gọi phiên bản MiG-29K là máy bay thế hệ 4++, tương đương với Su-35S của Sukhoi.

Phiên bản MiG-29K hoàn thiện được trang bị radar Zhuk-ME, có thể phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và đất liền từ khoảng cách 120 km. Máy bay sử dụng tay lái tích hợp điều khiển (HOTAS), cho phép phi công vận hành các hệ thống trên máy bay mà không cần nhấc tay khỏi cần lái. Thông tin điều khiển được hiển thị trên các màn hình đa chức năng (MFD), thay vì đồng hồ cơ khí như MiG-29 nguyên bản.

MiG-29K được tích hợp kênh điều khiển tên lửa không đối không RVV-AE, cùng nhiều loại tên lửa chống hạm và diệt radar. Máy bay có thể sử dụng hàng loạt vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao như Kh-29 hay KAB-500.

Máy bay được ứng dụng nhiều công nghệ làm giảm khả năng phát hiện của đối phương. Việc sử dụng sơn hấp thụ radar khiến tiết diện phản xạ radar của MiG-29K thấp hơn 4-5 lần so với phiên bản MiG-29 gốc. Động cơ RD-33MK cũng được cải tiến, giúp hạn chế độ bộc lộ hồng ngoại của máy bay. Kết hợp với thiết bị tác chiến điện tử và vũ khí tầm xa, khả năng sống sót trong chiến đấu của MiG-29K là rất cao.

Số phận long đong

Ngay từ khi ra đời, MiG-29K đã phải trải qua nhiều biến cố. Liên Xô đã không lựa chọn MiG-29K mà đặt mua tiêm kích Su-33 để trang bị cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, dù loại máy bay này có tính năng thua kém so với MiG-29K. Lý do chính là Su-33 có tốc độ cất hạ cánh thấp, bảo đảm an toàn cho hoạt động trên tàu sân bay, đồng thời tầm bay cũng vượt trội hơn MiG-29K.

Sau khi Liên Xô tan rã, dự án MiG-29K phải tạm ngừng vì không có vốn. Tới năm 1991, Ấn Độ đặt mua 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và 4 máy bay MiG-29KUB hai chỗ để đảm nhận nhiệm vụ phòng không hạm đội và tấn công mặt biển cho hải quân. Quá trình giao hàng bắt đầu vào tháng 12/2009. Trước khi bàn giao, các máy bay đều được thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov.

Tới tháng 1/2010, Ấn Độ và Nga ký thỏa thuận mua thêm 29 chiếc MiG-29K trị giá 1,2 tỷ USD. Hải quân Ấn Độ bắt đầu biên chế loại máy bay này vào tháng 2/2010. Tất cả MiG-29K đóng quân tại căn cứ INS Hansa cho tới khi Ấn Độ nhận bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya từ Nga.

Tuy nhiên đơn hàng MiG-29K bị tạm ngừng sau vụ một chiếc MiG-29KUB bị rơi trong quá trình thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng vụ tai nạn phủ bóng đen lên độ tin cậy của dòng tiêm kích này. Cuộc điều tra của Nga kết luận chiếc tiêm kích rơi do lỗi phi công, không có vấn đề kỹ thuật nào xảy ra với máy bay. Tới cuối năm 2012, quá trình thử nghiệm trên biển của MiG-29K/KUB của Hải quân Ấn Độ được hoàn tất.

Vào năm 2016, Cơ quan kiểm toán tối cao Ấn Độ (CAG) đưa ra báo cáo về dự án mua tiêm kích MiG-29K. Trong đó, CAG chỉ trích dòng máy bay này vì những vấn đề nghiêm trọng như động cơ và hệ thống điện tử. Hiệu suất vận hành của MiG-29K Ấn Độ nằm trong khoảng 16-39%, có nghĩa là cứ 10 máy bay thì chỉ có 3 chiếc sẵn sàng hoạt động, số còn lại phải nằm đất để bảo dưỡng.

Hải quân Nga chỉ đặt mua 24 chiếc MiG-29K vào cuối năm 2009 để thay thế các tiêm kích Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Đơn hàng chính thức được ký vào đầu năm 2012.

Trong đội hình Trung đoàn tiêm kích hạm số 100 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov triển khai tới Địa Trung Hải hồi giữa tháng 10, chỉ có 4 chiếc tiêm kích MiG-29K/KUB. Các chuyên gia quân sự nhận định số phận dòng tiêm kích đầy tiềm năng này sẽ càng trắc trở hơn với vụ tai nạn rơi chiếc MiG-29KUB mới đây.