Sở Giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục phân làn cưỡng bức

Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chiều 29/1 cho rằng, việc phân làn cưỡng bức thành công lớn vì chi phí ít, tai nạn giảm, ý thức người dân nâng cao.
Đường Giải Phóng trở nên lộn xộn sau khi dải phân làn cưỡng bức được dỡ bỏ. Ảnh:Bá Đô.

- Thành phố vừa thu hồi dải phân cách cưỡng bức trên các tuyến phố lớn, vì sao thưa ông?

- Từ năm 2010, Sở bắt đầu cho lắp hàng loạt vỉa ba toa - dải phân cách cứng trên các tuyến phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Xã Đàn, Giải Phóng… để phân làn phương tiện.

Sau 5 năm tổ chức phân làn tách dòng phương tiện, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông tốt hơn rất nhiều, không đi lẫn vào làn của nhau, va chạm giữa các phương tiện giao thông ngày càng ít hơn. Do đó chúng tôi tổ chức thu hồi dải phân cách cưỡng bức trên các tuyến phố Huế, Hàng Bài, Xã Đàn, Bà Triệu và một phần trên đường Giải Phóng.

- Dỡ bỏ dải phân cách cứng, ngành giao thông hy vọng sẽ mang đến hiệu quả cụ thể gì so với việc để nguyên? 

- Trên thực tế, sau khi dỡ bỏ phân làn, trên các tuyến phố Bà Triệu, Huế - Hàng Bài người dân đã đi lại trật tự hơn, không còn chen lấn mà nhường nhịn nhau.

Việc tổ chức phân làn, phân luồng chỉ trong thời gian nhất định, với những tuyến phố nhất định. Sau khi ý thức người dân được nâng lên sẽ thay phân làn cưỡng bức bằng sơn kẻ đường, biển báo giao thông. Những vỉa ba toa và biển báo phân làn sẽ được dùng để tổ chức phân làn trên các tuyến phố mới.

Phó giám đốc Sở Giao thông Nguyễn Xuân Tân. Ảnh: Võ Hải.

- Thực tế những ngày đầu dỡ bỏ dải phân cách, phương tiện trên những tuyến như Chùa Bộc, Giải Phóng lại lấn làn của nhau dẫn đến tình trạng lộn xộn. Ông lý giải thế nào?

- Không thể đạt được kết quả 100%. Sau khi thu hồi dải phân cách, Sở đã chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, tổ chức giao thông trên các tuyến phố đã được dỡ bỏ dải phân cách. Sở cũng đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt những người đi sai làn.

- Con số 24 tỷ đồng dành để phân làn được cho là lãng phí, ông giải thích thế nào?

- Dư luận đặt vấn đề về lãng phí và thất bại trong việc phân làn cũng là bình thường. Trong tổ chức giao thông, những việc làm mới thì không phải tất cả đều được dư luận ủng hộ, không phải 100% dự án mới đưa ra là khả thi, tối ưu.

Chúng tôi khẳng định không có lãng phí trong phân làn hay thu hồi dải phân cách. Chỉ có chi phí cho duy trì giao thông và nhân công thu hồi chuyển dải phân cách đi nơi khác. 

Phân làn, tách dòng phương tiện là một trong những hạng mục thuộc công tác duy tu, duy trì, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông thường xuyên hàng năm của thành phố. Không có dự án đầu tư nào riêng cho việc phân làn tách dòng phương tiện với kinh phí 24 tỷ đồng.

- Nếu tiếp tục thực hiện phân làn, thành phố sẽ làm thế nào? 

- Phân làn, phân luồng phương tiện là chủ trương đúng. Sở Giao thông vẫn kiên trì làm theo chủ trương này cho đến khi nào ý thức của người tham gia giao thông tốt mới lên mới thôi. 1, 2 năm có thể chưa tốt nhưng 4, 5 năm sẽ khác.

Sở đã giao cho Ban quản lý dự án duy tu đi rà soát những tuyến đường hướng tâm (từ đường vành đai 3 trở vào) có mật độ giao thông lớn, điều kiện mặt đường cho phép, người điều khiển phương tiện đi lại lộn xộn sẽ cho lắp vỉa ba toa, tiếp tục phân làn.

Tháng 9/2011, Hà Nội bắt đầu tổ chức phân làn trên 4 tuyến phố: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn; Giải Phóng; Phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu.

Ngay trong tuần đầu phân làn, nhiều tai nạn xảy ra do người đi xe đâm vào biển báo phân làn, một số thanh tra giao thông cũng bị thương tích khi tổ chức phân làn. 

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội (tháng 7/2012), cử tri đã đề nghị Thành phố bỏ dải phân cách ở những tuyến một chiều như phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu để tránh gây tai nạn giao thông.

Tháng 1/2015, ngành giao thông tổ chức thu hồi dải phân cách cưỡng bức  trên phố Huế, Hàng Bài, Xã Đàn, Bà Triệu và một phần trên đường Giải Phóng

Theo Võ Hải

Theo VnExpress