Sinh tồn trong thời tiết cực đoan ở lưu vực sông Sêrêpốk

TPO - Nhiều thanh niên, phụ nữ (trụ cột chính trong phát triển kinh tế) tại lưu vực sông Sêrêpốk đang đối mặt khó khăn do thời tiết cực đoan. Họ đang loay hoay tìm loại hình sinh kế phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mưa lớn gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa

Tại hội thảo “Sinh kế bền vững cho phụ nữ và thanh niên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Sêrêpốk” tổ chức tại Đắk Lắk vào sáng 1/10, anh Lê Văn Nghĩa (huyện Krông Bông) chia sẻ, gia đình trồng cà phê, lúa nhưng thu nhập không cao. “Trời mưa nắng thất thường, như năm nay qua tháng 5 vẫn chưa có mưa, nhiều diện tích lúa phải bỏ cho bò ăn; Khi mưa đến gây ngập lụt, sạt lở... Hiện những thanh niên trẻ như tôi đang thử nghiệm một số cây trồng mới như hoa hòe, dứa...”, anh Nghĩa thông tin.

Khô hạn tại huyện Krông Bông, lúa phải bỏ cho bò ăn

Tương tự, chị Phạm Thị Thắm (huyện Lắk)- Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đắk Nuê cho biết, nhà có 2 mẹ con, canh tác 3 sào cà phê, 7 sào lúa nhưng thu nhập bấp bênh do canh tác dựa vào “nước trời”; Các con suối, sông nối với sông Sêrêpốk thường cạn nước vào mùa nắng. Có năm chị Thắm chỉ thu được vài tạ cà phê; Còn cây lúa thì thu chỉ đủ tiền điện bơm nước từ giếng lên tưới. Hiện xã Đắk Nuê có tới 70% đồng bào thiểu số. Người đứng đầu chủ hộ, trụ cột gia đình thường là phụ nữ. Khi thời tiết thay đổi khiến những cây trồng chủ bị thất thu thì đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở tại huyện Lắk

Cũng vì cây lúa bấp bênh, chị Trần Thị Thu (Krông Bông) đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. “Công việc này khá phù hợp với sức khỏe phụ nữ. Cả người già, trẻ em, đều làm được, đầu ra lại ổn định. Tôi trồng 2 ha dâu kết hợp nuôi tằm, thu từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá cao nên Nhà nuóc cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi để nhiều phụ nữ được tiếp cận, nhân rộng mô hình”, chi Thu chia sẻ.

Có thế mạnh về vịt chạy đồng nhưng chưa có thương hiệu

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam kết hợp với trường Đại học Tây Nguyên (thực hiện tại huyện Lắk và Krông Bông) thì thanh niên và phụ nữ 2 huyện này có nhiều mô hình kinh tế như trồng cà phê, lúa; Nuôi vịt, bò, dê... song chưa có mô hình nào nổi trội. Điển hình như Lắk có thế mạnh về lúa nước, vịt thả đồng nhưng chưa có thương hiệu.

Người dân chuyển sang mô hình trồng dâu nuôi tằm

Tiến sĩ Võ Hùng, Khoa Nông Lâm nghiệp (Trường Đại học Tây nguyên)- Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, biến đổi khí hậu tác động đến sinh kế của người dân lưu vực Sêrêpốk. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của đại diện nông hộ (phụ nữ và thanh niên) nhằm tìm ra mô hình nuôi trồng mới phù hợp. Sau đó, lãnh đạo địa phương, ban ngành liên quan sẽ có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.