'Siết kỉ luật' với công chức ham...nhậu nhẹt
> Hà Nội: Công chức 100 triệu và ‘cối xay gió’
> Dân sẽ chấm điểm trực tuyến cán bộ, công chức
Đó là một trong nhiều nội dung trong chỉ thị 35 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”.
Chỉ thị này ra đời từ năm 2008, đến nay được đánh giá là có kết quả khả quan.
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề thực hiện chỉ thị nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình nhận định:
Lúc chỉ thị mới ra, chúng tôi thấy thực hiện không dễ nhưng càng về sau càng thành công. Mọi tầng lớp người dân đều mừng lắm.
Ông có thể nhắc lại những nội dung cơ bản của chỉ thị?
"Báo cáo ông bí thư. Tôi vào xã xin cái dấu nhưng bí thư xã nằm trên bàn, chủ tịch xã nằm dưới ghế. Phòng làm việc của ủy ban sặc mùi rượu. Tôi hỏi xin dấu thì bị họ nạt nên phải ngồi chờ ở đây"
Lời một người dân qua lời kể của ông Nguyễn Thanh Bình
Chúng tôi đưa ra nhiều nội dung về việc tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, cần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, trật tự kỷ cương trong nề nếp công sở... Trong đó chúng tôi rất quan tâm đến việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội và cũng được coi là khó thực hiện nhất.
Lý do vì sao Tỉnh ủy Hà Tĩnh lại coi trọng việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc?
Thực tế lúc đó cho thấy nhiều cán bộ, công chức, viên chức chấp hành chưa nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan; ý thức lao động kém; vi phạm các quy định về sử dụng giờ làm việc như đi muộn, về sớm... phần lớn là do chuyện uống rượu bia hoặc ngồi quán cà phê. Không ít cán bộ cơ sở uống rượu bia suốt ngày, dẫn đến hành vi ứng xử và phát ngôn thiếu văn hóa, không tôn trọng người dân, doanh nghiệp. Cũng do men rượu, một số cán bộ biểu hiện hách dịch, quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho dân trong khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (khám chữa bệnh, tuyển dụng công chức, xuất khẩu lao động)...
Một lần tôi về cơ sở thấy một bà cụ ngồi tựa gốc cây trước cổng ủy ban xã. Tôi hỏi bà cụ đi đâu mà ngồi đây. Bà biết tôi nên phản ảnh ngay: “Báo cáo ông bí thư. Tôi vào xã xin cái dấu nhưng bí thư xã nằm trên bàn, chủ tịch xã nằm dưới ghế. Phòng làm việc của ủy ban sặc mùi rượu. Tôi hỏi xin dấu thì bị họ nạt nên phải ngồi chờ ở đây”. Nghe xong, tôi đi thẳng vào trụ sở, thấy lời bà cụ nói không sai. Một lần khác tôi gặp một giám đốc doanh nghiệp cứ quay đi quay lại trước cổng ủy ban xã, tôi hỏi: “Chú làm gì ở đây?”.
Giám đốc doanh nghiệp trình bày: “Tôi đến có chút việc cần gặp lãnh đạo xã nhưng hôm trước họ đi đám tang, hôm qua họ đi đám cưới, hôm nay họ đi đám giỗ, đành phải cố chờ”. Hai câu chuyện này khiến tôi trăn trở mãi. Đêm về không ngủ được bởi ý nghĩ sao cán bộ cơ sở của mình tệ thế. Dân làm sao tin được những cán bộ như thế này. Chỉ thị 35 của chúng tôi bắt đầu từ những trăn trở này.
Tỉnh đã làm gì để việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc được thực thi trong cuộc sống?
"Lúc đầu thực hiện chỉ thị 35 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, khi tiếp khách không có bia rượu thì cảm thấy thiếu nhưng giờ đã thấy thoải mái và quen dần. Việc siết chặt kỷ cương này không chỉ cán bộ, đảng viên thấy tác dụng rất tốt mà nhân dân cũng hoan nghênh. Bếp tập thể của huyện không còn bia rượu đã đành nhưng các quán cơm ở thị trấn khi thấy cán bộ huyện vào là họ “tái cấu trúc” món ăn ngay. Thay vì đĩa thịt luộc lai rai với cút rượu, giờ họ đưa cơm và thức ăn mặn ra và không quán nào hỏi “các anh uống rượu hay bia” nữa"
Ông Nguyễn Duy Trinh
(chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh)
Chúng tôi tổ chức bốn lớp cán bộ chủ trì của 262 xã, phường thuộc 12 huyện, thị, thành phố gồm: bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, chủ tịch HĐND xã và trực đảng ủy xã. Mỗi lớp có ba ngày quán triệt chỉ thị 35 để chấn chỉnh vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ cơ sở, làm cho họ thấy thiên chức người cán bộ chính là bổn phận đáng quý của đời mình.
Trong đợt chấn chỉnh này, chúng tôi không chỉ cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc mà ở nhà cũng không được say sưa. Theo phản ảnh của nhiều chị em thì người say bia rượu rồi sinh chuyện đánh đập vợ con, gây sự với láng giềng. Thậm chí có chị em cho hay nhiều hôm liền vợ chồng không gặp nhau do tối nào chồng cũng say sưa, cả mẹ lẫn con phải lảng tránh.
Chúng tôi có nhiều biện pháp để kiểm tra ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức uống rượu bia. Nhưng tôi cho rằng biện pháp thúc đẩy cơ quan báo chí vào cuộc là hiệu quả nhất. Khi phát hiện trường hợp nào vi phạm là đưa lên báo đài, điều này có tác động rất tích cực.
Xin hỏi thẳng, có cán bộ nào uống rượu bia trong giờ làm việc bị kỷ luật chưa?
Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Phạm Xuân Cảnh bị phê bình vào năm 2011 do uống rượu sau khi đi chống bão lụt về. Trường hợp này không rơi vào giờ làm việc tại công sở nhưng tôi cảm thấy như thế là vô cảm bởi cảnh lụt lội đang xảy ra, biết bao khó khăn chồng chất mà cán bộ ngồi uống rượu là không phải đạo.
Cơ sở nào để ông khẳng định hiệu quả của việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc hoặc say sưa khi ở nhà?
Sau một thời gian thực hiện, chúng tôi có cử các đoàn công tác thâm nhập cơ sở để rà soát, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương và các sở, ban ngành của tỉnh. Đúng là hiệu quả thấy rõ. Tết năm 2011, không còn những phàn nàn của người dân về vấn nạn bia rượu đối với cán bộ, công chức.
Nhiều cặp vợ chồng do rượu bia lục đục nay đã hàn gắn trở lại. Tai nạn giao thông do rượu bia cũng giảm hẳn. Tại các cơ quan hay ở xã cũng như huyện không còn cảnh cán bộ, công chức, viên chức “đỏ mặt” trong giờ làm việc. Một số nơi trước đây thường tiếp khách bằng rượu bia nay đã bỏ hẳn. Việc chấp hành nội quy, quy chế tại hầu hết các cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả như vậy là đáng khích lệ nhưng liệu có lâu dài?
Năm ngoái, chúng tôi đã có kết luận đánh giá việc thực hiện chỉ thị 35. Trong đó tiếp tục coi trọng việc cấm cán bộ, công chức say sưa. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những biện pháp thiết thực để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, nhất là chống quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh ủy yêu cầu mỗi địa phương, đơn vị phải thường xuyên rà soát việc thực hiện chỉ thị 35. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm hoặc không đạt chuẩn sẽ được phân loại và có hình thức xử lý thích đáng. Mới đây, chúng tôi ra tiếp chỉ thị 20 về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Đây cũng là những câu chuyện đang nhức nhối, không thể không bàn tới.
Bây giờ có tình trạng tổ chức đám cưới mời hàng ngàn người đến nhà hàng, khách sạn ăn uống linh đình, thậm chí lợi dụng đám cưới để trục lợi cá nhân. Việc tang vẫn có người bày cỗ mời khách, rải tiền, đốt vàng mã quá nhiều, sử dụng loa công suất lớn, quá giờ quy định, đua nhau xây mồ mả, lăng tẩm không theo quy định. Thực tế này cũng gây bất bình lớn trong người dân. Nguyên nhân là do các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa có giải pháp hữu hiệu, một số cán bộ thậm chí là cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu. Cũng cần nói thêm, chỉ thị này có quy định cán bộ, công chức, viên chức không đi dự cưới trong giờ làm việc, không uống rượu bia trong đám cưới, đám tang.
Long An: kỷ luật 10 cán bộ uống rượu bia trong giờ làm việc
Ông Nguyễn Thanh Liêm, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Long An, cho biết việc cấm cán bộ, công chức uống rượu say trong giờ làm việc đã được Tỉnh ủy chỉ đạo từ năm 2005 và thực hiện cho đến nay. UBND tỉnh Long An cũng liên tục ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh, mới nhất là văn bản ngày 7-10-2012. Theo đó, tỉnh yêu cầu cán bộ, đảng viên trong giờ làm việc, giờ ăn trưa không uống rượu bia hoặc sử dụng rượu bia để tiếp khách. Điều này cũng trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng đảng viên và cơ sở Đảng hằng năm. Cơ quan, đơn vị nào có cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương này thì ngoài việc xử lý người vi phạm, phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Nhìn chung cán bộ, đảng viên ở tỉnh Long An đã chấp hành tốt quy định này. Đến nay đã có hơn 10 người vi phạm chủ trương trên bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là cảnh cáo.
Theo Tuổi Trẻ