Sen Việt của Việt 'Sen'

TP - Họa sỹ Đặng Phương Việt, được bạn bè trong giới gọi là Việt Sen, sẽ trưng bày 11 bức tranh sơn dầu mang tên Sen Việt tại Casa Italia, số 8 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội từ 25/11 đến 9/12.

> Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Họa sỹ cho biết, anh vẽ rất nhiều bức về sen và sen của anh được nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước yêu thích. Trong số 11 bức trưng bày tại triển lãm lần này, có tới 9 bức sen. Ngoài ra, còn có 2 bức tranh cá, thuộc thể loại tranh mà anh tự gọi là tranh hàng mã trước đây của anh khiến anh có nick Việt Hàng Mã, trước cả nick Việt Sen.

Sen và Hàng Mã

Cả tuổi thơ gắn liền với phố Hàng Mã, nơi anh sống và có ông nội làm nghề hàng mã, cậu bé Việt cũng phải xắn tay cùng gia đình làm đồ hàng mã, đây là nguồn cảm hứng vô tận đến với Đặng Phương Việt khi anh bắt đầu con đường hội họa.

Các tích truyện để làm nên các đồ hàng mã như Tiến sỹ giấy, cá chép hóa rồng, rước đèn trung thu… đều được đưa vào tranh của anh và anh gọi nó là tranh hàng mã.

Tranh hàng mã và tranh sen luôn đồng hành cùng với Đặng Phương Việt. Năm 1999, anh gửi tranh hàng mã và tranh sen tham dự giải tranh quốc tế tại Mỹ, thì tranh hàng mã được giải. Năm 2000, anh lại tham dự giải tranh quốc tế tại Australia, thì bức sen của anh đoạt giải và bắt đầu được chú ý.

 Hoa sen là loại hoa rất đặc biệt vì nó được cả hương, cả sắc và hình dáng nhưng cũng rất bình dị trong cuộc sống. Tôi vẽ hoa sen để đánh thức những cảm xúc của bản thân.

Họa sỹ Đặng Phương Việt

Hai “tác nhân” quan trọng khiến họa sỹ Đặng Phương Việt vững tin trên hành trình vẽ sen là cựu đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Trung Thành và nhà sư Thích Minh Hiền. Đặng Phương Việt và nhà ngoại giao Nguyễn Trung Thành quen biết nhau trong một triển lãm tranh của Việt khoảng năm 2000.

Theo Việt, nhà ngoại giao Nguyễn Trung Thành động viên anh rất nhiều trên con đường nghệ thuật. Rồi trong quá trình nghiên cứu về hoa sen trong Phật pháp, anh tình cờ gặp thượng tọa Thích Minh Hiền, người đã giúp anh hiểu biết nhiều điều bổ ích trong đạo Phật và hoa sen.

Đặng Phương Việt đã trở thành thành viên của nhóm họa sỹ Mặc Hương gồm những họa sỹ Phật tử do Thượng tọa Thích Minh Hiền sáng lập. Anh đã có nhiều triển lãm chung về sen với nhóm Mặc Hương tại Hà Nội như triển lãm Sen đầu hạ 1 năm 2007, Sen đầu hạ 2 năm 2008, Sen đầu hạ 3 năm 2009, Sen đầu hạ 4 năm 2010 và Sen đầu hạ 5 năm 2012 tại Huế, đều vào tháng 4 nhân mùa Phật đản.

Một tác phẩm trưng bày tại Sen Việt.

Các bức tranh sen đủ màu sắc, kiểu loại của anh đã từng được triển lãm ở châu Âu, Singapore, Malaysia, Nhật, Hồng Kông… Năm 2011, anh có triển lãm cá nhân mang tên “Sen Việt trong đời sống người Việt” tại Hà Nội. Đặng Phương Việt chia sẻ: “Thực ra, trong nước ít biết đến tôi vì tôi có duyên triển lãm ở nước ngoài hơn”. Tuy nhiên, anh cũng thú nhận: “Cũng có triển lãm quốc tế, tranh của tôi bị từ chối. Điều đó là bình thường. Nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi học hỏi được rất nhiều vì nhận được nhiều lời nhận xét xác đáng của các nhà thẩm tranh có uy tín quốc tế và biết được vì sao tranh của mình bị từ chối”.

Không bao giờ “ăn lại cơm nguội”

Và sau vài lần thất bại, anh đã nhận thấy mình còn non quá và quyết tâm dành thời gian để học tập và nghiên cứu, không vẽ tranh chạy theo thị trường, không vẽ tranh chép vì sợ làm hỏng tay nghề, mà chỉ làm nội thất để có tiền trang trải cuộc sống. Anh tâm sự: “ Lúc đó, tôi gần như triệt tiêu hết mọi nhu cầu của cuộc sống để dồn tâm trí vào việc nghiên cứu suốt ba năm liền. Không xe đẹp, không quần áo đẹp, không nhậu nhẹt…”.

Càng nghiên cứu, anh càng thấy ham và thấy thiếu thời gian. Ý tưởng mới luôn tuôn chảy trong anh và anh luôn thấy mình có quá ít thời gian để thực hiện những ý tưởng đó. Anh nói: “Tôi luôn luôn làm mới, không bao giờ ăn lại cơm nguội của mình. Trong đạo Phật cũng dạy, từ bé tới lớn, con người thay đổi cảm xúc rất nhiều. Vậy tại sao mình lại bó buộc, tại sao lại phải vẽ theo những cảm xúc cũ, tại sao không đẩy nó lên cao”.

Thực ra, có nhiều họa sỹ vẽ sen. Nhưng để tạo cho mình một con đường đi, một cái nhìn về nghệ thuật, cảm xúc về nghệ thuật thì không phải ai cũng giống ai. Đặng Phương Việt cho biết, anh vẽ hoa sen để đánh thức những cảm xúc của con người, của bản thân với thế giới xung quanh. Chính vì thế, anh không bị gò theo cái “nhìn thấy” nữa mà hoàn toàn được tự do trong cái “cảm thấy”.

Theo Báo giấy