Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến dự án Luật Đường bộ.
Tại phiên họp, có đại biểu Quốc hội đề nghị hai cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn nội hàm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật và từng nội dung cụ thể để quy định trong mỗi dự thảo luật cho phù hợp, hạn chế thấp nhất các nội dung chồng chéo, tạo thuận lợi trong tổ chức thi hành luật.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng nói sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An để rà soát, chỉnh lý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất và không trùng lặp, thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ông Thắng cho biết, quy định này được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới không áp dụng đối với các đô thị hiện hữu. Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định về khu vực đặc thù, đảm bảo được tỷ lệ quỹ đất theo quy định chung.
Chưa tách bạch trong thu phí sử dụng đường bộ
Có đại biểu có ý kiến đề nghị làm rõ về sự cần thiết bổ sung thu phí đường cao tốc ở bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư và có đánh giá tác động.
Cụ thể, các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện. Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc.
Để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc của người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định này.
“Mức thu sẽ được xác định đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và đảm bảo hoàn vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo chi phí bảo trì hàng năm”, ông Thắng cho hay.
Theo Bộ trưởng, nội dung này đã có kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, có những quốc gia rất lớn như Mỹ đã áp dụng. “Hiện nay thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% đến 40% nhu cầu bảo trì. Cho nên, nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện đưa vào mà chúng ta không thu, một khoản kinh phí rất khổng lồ trong vấn đề về bảo trì, chúng ta sẽ khó khăn”, ông Thắng nói.
“Còn rất nhiều vấn đề chúng tôi cũng thấy rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu. Như vấn đề liên quan đến hành lang an toàn giao thông hay trạm dừng nghỉ, đường giao thông nông thôn, đường đô thị, các hoạt động sửa chữa, nâng cấp của các tuyến đường cao tốc… Đây là những vấn đề chúng tôi thấy sẽ phải tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng tốt nhất khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới”, Bộ trưởng cho hay.