Sẽ loại cán bộ yếu kém ra khỏi các Ban Quản lý dự án

TP - Sau khi đăng loạt bài về tình trạng chậm tiến độ tại 2 “đại dự án” xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hà Tây và dự án khu đô thị đại học tây - nam Hà Nội. Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hưng- Phó Giám đốc ĐHQGHN.

>> Mỏi mắt chờ các khu đô thị đại học đẳng cấp

Ông Phạm Quang Hưng

Ông Hưng cho biết: Đây là dự án được Chính phủ ưu tiên cho ĐHQGHN để xây dựng một trung tâm đào tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế với diện tích quy hoạch là 1.000 ha và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo tiền khả thi với nguồn vốn dự kiến là hơn 7.200 tỷ đồng (nhu cầu thực tế vượt hơn rất nhiều). Chính phủ cũng đã duyệt cấp 500 tỷ đồng để triển khai các công việc ban đầu của dự án.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều vướng mắc, điển hình như việc mời nhà thầu HOK của Mỹ vào xem xét lại quy hoạch chung đã gây chậm tiến độ mất 15 tháng. Việc giải thể và bồi thường, giải phóng mặt bằng Nông trường 1A để lấy đất xây dựng ĐHQGHN gặp rất nhiều vướng mắc.

Nhiều chính sách, quy định về quản lý, xây dựng dự án, đấu thầu, phê duyệt, địa giới hành chính... còn bất hợp lý, thường xuyên thay đổi đã gây ra chậm trễ nhiều hạng mục so với yêu cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trì trệ, chậm tiến độ như hiện nay còn thuộc về phía ĐHQGHN và các Ban QLDA?

Về nguyên nhân chủ quan, tôi cũng phải thừa nhận là ngay từ đầu quản lý dự án (QLDA) này đã rất lúng túng, nhiều cán bộ chuyên môn yếu kém, thiếu kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Lúc đầu, Ban QLDA chung quản lý tất cả các dự án và hạng mục thành phần nhưng bị quá sức nên sau đó lại phải tách ra thành BQL DA chung và  4 dự án thành phần chuyển về cho các đơn vị thuộc ĐHQGHN quản lý (ĐHKHTN, ĐHKHXH&NV, Ngoại ngữ và Trung tâm nội trú sinh viên).

Một nguyên nhân khác là do một số nhà thầu năng lực kém nên làm rất chậm, phải thay đổi phương án nhiều lần. Sự phối hợp giữa nhà thầu nước ngoài với nhà thầu phụ chưa ăn khớp; phối hợp giữa Ban QLDA chung với nhiều phòng-ban chức năng của trường còn yếu nên tiến độ không đảm bảo.

Vậy lãnh đạo ĐHQGHN có biện pháp gì nhằm “xốc” lại các Ban QLDA, nâng cao năng lực cán bộ?

Chúng tôi đang chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy nhân sự tại các Ban QLDA. Với những cán bộ yếu kém thì dứt khoát không cho tiếp tục ngồi vào những vị trí quan trọng nữa, mà phải điều chuyển sang làm những công việc khác.

Theo quy định của Nhà nước, chủ đầu tư có quyền đi thuê tư vấn, thuê cán bộ quản lý dự án. Các dự án thành phần cũng có quyền thuê người về quản lý. Nếu các trường thành viên trong ĐHQG không làm nổi thì có quyền đi thuê. Tuy nhiên nếu tuyển chọn không cẩn thận thì sẽ có thể chọn nhầm những cán bộ yếu kém, những Ban QLDA không đủ năng lực.

Về việc giao cho một đơn vị thực hiện dự án rồi sau đó bàn giao lại cho ĐHQGHN sử dụng thì trước đây Chính phủ cũng đã tính đến. Nhưng sau đó lại thấy không ổn vì xây dựng một trường đại học có nhiều đặc thù về chuyên môn. Do vậy, nếu giao cho trường làm thì có thể tận dụng được chất xám của các giáo viên.

Theo tính toán thực tế, “đại dự án” này sẽ tiêu tốn trên 11.000 tỷ đồng, vậy nguồn vốn này đã có chưa, thưa ông?

Từ giờ đến khi kết thúc dự án mỗi năm cần khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài phương án cấp ngân sách mà Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cam kết đã sẵn sàng trình Thủ tướng tiếp tục cấp vốn.

Còn có phương án khác là chuyển đổi nhà đất hiện có của ĐHQG tại Hà Nội cho những đơn vị khác để lấy tiền xây dựng trường mới tại Hà Tây. Tuy nhiên, phương án này còn đang phải xem xét, tính toán kỹ.

Minh Tuấn
Thực hiện