* Dừng 161 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ
> Cắt chỉ tiêu ngành kinh tế, sư phạm
> Chỉ tiêu dự kiến các ngành ĐH Bách Khoa TPHCM năm 2013
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD& ĐT cho biết, năm 2012 là năm đầu tiên các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo 2 tiêu chí tỷ lệ sinh viên/giảng viên và tiêu chí diện tích sàn xây dựng.
Kết quả do 3 đoàn thanh tra tại 30 trường ĐH, 8 trường CĐ, 16 trường công lập, 14 trường ngoài công lập trên cả nước cho thấy, có tới 70% số trường vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh (21 trường).
Căn cứ nội dung và mức độ vi phạm, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tham mưu trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xử lý kỷ luật Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn với hình thức khiển trách do trường này không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực đào tạo thực tế và tuyển vượt chỉ tiêu 5%.
Với các trường không trực tiếp do Bộ GD&ĐT quản lý, lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiến nghị các bộ liên quan xem xét mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật hiệu trưởng.
Cụ thể, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét có hình thức cảnh cáo đối với hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TPHCM; khiển trách đối với Hiệu trưởng các trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Thương mại, ĐH Công nghiệp Việt – Hung; Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh; kiến nghị Bộ Y tế xem xét và có hình thức kỷ luật khiển trách đối với hiệu trưởng Cao đẳng Kỹ thuật Y tế; Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kỷ luật khiển trách đối với Hiệu trưởng Trường ĐH Quản trị Kinh doanh v.v…
Theo Thông tư 57 của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ dao động từ 15 - 30 sinh viên tùy theo nhóm trường. Tuy nhiên, nhiều trường đã vượt rào với tỷ lệ cao chót vót. Cụ thể ĐH Quy Nhơn vượt 5%; CĐ Công thương TP Hồ Chí Minh vượt 6%; CĐ Thương mại vượt 8%; ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP Hồ Chí Minh vượt 11,4%; ĐH Nội vụ vượt tới 13%...
Ông Nguyễn Huy Bằng cho hay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng sẽ có văn bản cảnh báo đối với 1 số trường ngoài công lập vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh và gửi UBND tỉnh/thành phố để theo dõi, hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng trường nếu tiếp tục tái phạm trong năm 2013.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm minh. Các trường vi phạm nặng sẽ bị tước quyền tự chủ về tuyển sinh trong năm 2013.
Bộ sẽ áp chỉ tiêu trên tinh thần tạo điều kiện cho trường duy trì hoạt động nhưng tỷ lệ sinh viên sẽ dần dần xuống mức quy định để đảm bảo chất lượng.
Để thống nhất việc thực thi quản lý nhà nước về đào tạo thạc sỹ và triển khai cho việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, Bộ GD&ĐT đã rà soát các cơ sở đào tạo thạc sỹ, tập trung thanh tra chất lượng giảng viên giảng dạy.
Theo đó, sẽ có 161 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ phải dừng tuyển sinh, trong đó có các chuyên ngành như Quản trị kinh doanh, Nghệ thuật âm nhạc, Công nghệ sinh học, gây mê hồi sức… Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội phải dừng tuyển sinh 9 chuyên ngành từ năm 2013.
Đối với các học viên thạc sĩ đã trúng tuyển và đang học tại các cơ sở bị dừng tuyển sinh thạc sĩ, cơ sở đó sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành.
Trong năm 2013, Bộ GD& ĐT sẽ bám sát quyết định 51 của Ban chấp hành T.Ư Đảng, ngoài việc tiếp tục thanh kiểm tra các nội dung như năm 2012, sẽ nhấn mạnh thanh tra, kiểm tra các trường liên kết đào tạo, khắc phục các hiện tượng tiêu cực như học thêm dạy thêm, thu nộp đầu năm, v.v…