Theo Bộ Y tế, nếu tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 thì bắt buộc phải chuyển đến cách ly tại bệnh viện (BV). Ở Hà Nội, các BV được Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, điều trị, quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có người nghi ngờ mắc Covid-19 gồm: BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Saint Paul, Bắc Thăng Long, Hà Đông. Trong trường hợp có ca bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chuyên môn, sẽ chuyển bệnh nhân tới tuyến cuối theo phân tuyến của Bộ Y tế; hoặc báo cáo Bộ Y tế để điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 hỗ trợ.
Miễn phí cho người cách ly tập trung
Tại nhiều nước trên thế giới, người cách ly phải chi trả một khoản chi phí y tế khá tốn kém. Tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV do bảo hiểm y tế chi trả và miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung. Đối với khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí.
Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình khẩn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Theo đó, đối với các trường hợp cơ sở cách ly y tế (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị cách ly, cưỡng chế cách ly thì không thu tiền của người bị cách ly. Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế phát sinh, tối đa không quá 80.000 đồng/người/ngày. Trong trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.
Quy định mới nhất về cách ly
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, nơi ở của người cách ly tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế số lượng đồ đạc, vật dụng trong phòng. Nếu có điều kiện, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại; có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch, có thùng rác có nắp đậy.
Người được cách ly cần chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương. Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hằng ngày và thông báo cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở. Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Thành viên trong hộ gia đình, nơi ở, nơi lưu trú hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc. Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa nơi ở, nơi lưu trú hằng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng. Cung cấp suất ăn riêng cho người được cách ly…
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, cách ly kịp thời giúp phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn Covid-19, tiến tới dập tắt dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc cách ly còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự nguyện cách ly của người dân, ý thức với chính bản thân mình, với gia đình và cộng đồng xung quanh.