Thông tin chưa có trên báo, đã có trên Facebook phóng viên
Sáng qua (18/5), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.
Số liệu của tổ chức We are Social cho thấy, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam khoảng 55 triệu người (chiếm 57% dân số), trong đó 50 triệu người dùng mạng xã hội trên điện thoại di động. Thời lượng sử dụng mạng xã hội trung bình là 2,5 giờ/ngày/người, khá cao với thế giới.
Theo ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội thành không gian truyền bá thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, bôi nhọ tổ chức. Việc lộ thông tin bí mật Nhà nước gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nêu, những cây viết nổi tiếng, tác động lớn trên mạng xã hội chính là các nhà báo, đó là những người nhiều thông tin, có thể lôi cuốn bạn đọc. Nhiều người trở thành quyền lực trên mạng xã hội. Từ quyền lực đó, họ đưa những thông tin không chuẩn mực, thậm chí là có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. “Chúng tôi phải khẳng định như vậy vì có những trường hợp rất cụ thể”, ông Phúc nói. Ông Phúc cho rằng, cơ quan báo chí nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tránh tình trạng thông tin chưa có trên báo đã có trên Facebook của phóng viên, tạo cho phóng viên quyền lực trên môi trường mạng.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ, nhiều anh chị em báo chí cũng là nạn nhân của những thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội.
Theo ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nên hướng đến mục tiêu duy trì thuần phong mỹ tục. “Hiện nay không hiểu sao có xu hướng rất xấu xí, muốn có nhiều người like, quan tâm, anh phải nói tục, rất tục”, ông Huynh nói.
Hướng đến điều chỉnh đạo đức người dùng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có nội dung cốt lõi là chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội. Dự thảo quy tắc đề xuất những hành vi nên hay không nên, được hay không được của các đối tượng gồm nhà cung cấp mạng xã hội, tổ chức sử dụng dịch vụ mạng xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội, người dân sử dụng mạng xã hội. Chẳng hạn, người dùng mạng xã hội nên bình luận có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kiểm tra độ tin cậy của các thông tin trước khi tương tác. Với tổ chức sử dụng mạng xã hội phải tương tác trên mạng xã hội theo nguyên tắc lành mạnh và bảo mật thông tin, không được tương tác trên mạng xã hội theo chiều hướng ủng hộ thông tin xấu, độc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vi phạm trên mạng xã hội đã có chế tài xử lý theo quy định pháp luật nhưng vẫn cần một khuôn khổ thể chế mềm dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo sự đồng thuận để xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin gợi ý, gọi là quy tắc thì phải có ràng buộc về trách nhiệm pháp lý. Vì thế nên gọi là Đạo đức mạng xã hội thay vì Quy tắc mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện sẽ mở rộng lấy ý kiến của người dân. Đây sẽ là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng.
“Nhiều nhà báo trở thành quyền lực trên mạng xã hội. Từ quyền lực đó, họ đưa những thông tin không chuẩn mực, thậm chí là có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nói.