Sau vụ cháy Cty Rạng Đông: Dân bức xúc vì có nhà mà không dám về

TPO - Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân quanh khu vực vụ cháy nhà xưởng Cty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, sau vụ cháy, họ phải di tản, có nhà mà không dám về.

Trả lời trên báo chí mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ông đã mời người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy Cty Rạng Đông lên tham dự cuộc họp ở UBND thành phố hôm 5/9. Ông nói, ở đó đã nghe họ phát biểu, trực tiếp hỏi người dân nhưng người dân nói “Không có bức xúc gì”. Tuy nhiên, thực tế người dân bức xúc vì “có nhà mà không dám về” sau vụ cháy.

Ghi nhận của phóng viên, đến nay, nửa tháng sau vụ cháy, khu vực phía trước cổng Cty Rạng Đông, hàng quán tại vỉa hè cũng như các cửa hàng đã quay trở lại buôn bán. Công nhân Cty đi làm khá đông, buổi trưa ra ngoài cửa hàng ăn uống. Nhưng cạnh đó, một số nhà dân vẫn khóa cửa, vài con ngõ hoang vắng.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh chụp ngày 10/9

Tại khu vực Tổ dân phố số 10, Khu dân cư số 5 phường Hạ Đình nằm sát kho bị cháy, trên một số khe cửa nhà có bao thư dán kín vẫn chưa có ai nhận; thậm chí có cả tờ rơi tiếp thị thực phẩm chức năng "ngừa thủy ngân" còn được gài nguyên. Dù phóng viên đứng trước cửa, nhưng Tổ trưởng dân phố tại đây vẫn từ chối tiếp vì không muốn trả lời. Một số người dân ở đây cho hay, chính người thân, các cháu nhỏ của gia đình cán bộ tổ dân phố đã phải di tản sang nơi khác để phòng tránh.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Như Kiệm, nhà cách khu kho bị cháy 20m cho hay, nhiều nhà ở khu phố gần nhà ông đã di tản hết từ hôm bị cháy. Gia đình ông Kiệm có 5 người nhưng hai vợ chồng con trai, dâu và 2 cháu nhỏ đã phải di tản sang nhà ngoại bên đường Nguyễn Xiển để ở tạm từ hôm bị cháy. Nhiều nhà xung quanh cũng như vậy, nhất là các nhà có trẻ nhỏ là phải đi hết. Giờ chỉ còn vài ông già như tôi ở nhà.

Ông Kiệm nói, việc nói người dân ở đây không bức xúc là không đúng. "Mọi người phải xuống đây mới thấy dân người ta bức xúc như thế nào còn chưa xuống nên mới nói vậy. Bởi chưa thấy một ai đến giải thích rõ ràng về tình hình môi trường cho người dân...", ông Kiệm nêu.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nhà ở một số con ngõ quanh khu vực cháy vẫn cửa đóng then cài. Hai tòa chung cư A1, A2 ở ngõ 85 Hạ Đình, theo ghi nhận, nhiều cư dân vẫn đang di tản đi nơi khác ở và chưa dám về nhà.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, đại diện Ban quản trị chung cư A1, số lượng các gia đình còn ở lại không đáng kể và từ một khu chung cư đông đúc, hiện giờ trong tình cảnh "vắng vẻ, đìu hiu".

"Tôi chưa thấy cư dân ở đây trở về mà chỉ thấy họ đang di tản đi thêm thôi. Người dân ở đây quá bức xúc nhưng thực sự cũng không biết kêu ở đâu, bởi mỗi đơn vị lại đưa ra thông tin khác nhau về kết quả kiểm tra môi trường ở đây. Người dân không biết tin ai nên đành di chuyển như "di tản" đi để đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình còn ai muốn nói gì cứ nói", ông Tiến bày tỏ.

Nhiều ngôi nhà gần khu vực Cty Rạng Đông cửa đóng then cài sau vụ cháy

Phóng viên cũng đã tìm gặp hai người được mời lên thành phố họp về vấn đề vụ cháy Rạng Đông hôm 5/9, trong đó, có một Bí thư chi bộ khu phố thuộc phường Hạ Đình và một Tổ trưởng dân phố thuộc phường Thanh Xuân Trung.

Khi phóng viên hỏi, vị Bí thư chi bộ khu phố số 3 (P. Hạ Đình) do phải đi đám tang nên không trao đổi được lâu, nhưng cho rằng người dân tại khu phố của ông "cơ bản ổn định". Trong khi đó, Tổ trưởng tổ dân phố số 23 (phường Thanh Xuân Trung, nhà cách Cty Rạng Đông chừng 70m) do bận việc nên chỉ trao đổi được qua điện thoại. Bà nói việc người dân lo cho sức khỏe của mình sau vụ cháy hoàn toàn đúng, bởi không thể biết chỉ số ô nhiễm ra sao.

Tuy nhiên bà khẳng định: "Bác vừa báo cáo với Chủ tịch UBND quận, ở khu bác, 100% ổn định, nhân dân tự truyền tai nhau kéo về làm ăn, không có vấn đề gì". Vị Tổ trưởng này cũng nhấn mạnh, tại khu phố mình không có gia đình nào cho con nghỉ học và với những ai có biểu hiện lạ, mệt vẫn tiếp tục được đi khám miễn phí đến hết ngày 12/9.

Trong khi đó, một số tiểu thương bán rau, thực phẩm cho hay, nếu so với trước đây, lượng người mua giảm đi nhiều. Người dân vẫn sợ, không dám mua các thứ ở gần nhà mà phải đi chợ xa hoặc ra siêu thị mua.

"Sức khỏe chưa thấy ảnh hưởng nhưng không bán được thì khổ, bởi mỗi ngày phải trả 500.000 đồng tiền thuê nhà cho người ta", anh Lưu, chủ môt hàng cơm ở đây nói. Một số hộ dân ở tổ dân phố 27 cũng mong muốn sớm dẹp được thông tin độc hại để có thể kinh doanh, buôn bán trở lại như cũ.