Sau mưa lũ, nguy cơ hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

TP - Ngày 23/10, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ.
Người dân vùng lũ Quảng Bình chèo bè tự chế ra nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Trọng Tài

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, TPHCM chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ. Cụ thể: Cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng/kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...; Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ; Chuẩn bị cơ số thực phẩm, nhu yếu phẩm để ủng hộ nhân viên y tế, người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh chịu hậu quả của thiên tai (nếu có) để sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh/thành phố tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, tùy theo khả năng, đề xuất phương án hỗ trợ báo cáo về Ban Chỉ huy Bộ Y tế để được huy động khi cần thiết. Sở y tế các tỉnh/thành phố miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo khả năng thiệt hại để đề xuất nhu cầu về chuyên môn, địa bàn, thời gian cần hỗ trợ, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Bộ Y tế để điều phối.

Nguy cơ hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Bộ Y tế cũng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020. Ngành Y tế cho biết, trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh COVID-19 chưa có vắc - xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại...) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như COVID-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng....

Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu: Sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là phòng chống COVID-19; thực hiện vệ sinh thường xuyên trường học; bố trí đủ xà phòng, nước sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương.