Mầu Hoàng Thiết là phóng viên ảnh báo Tiền Phong từ 1962, cùng làm việc với phóng viên ảnh Mai Nam- Giải thưởng Nhà nước 2007 cũng đề tài chiến tranh. Ông Thiết là Việt kiều Thái Lan, năm 1950 tham gia Quân tình nguyện Việt Nam ở Thái Lan, rồi sang Lào chiến đấu. Đội quân này tự trang bị vũ khí, quân trang quân dụng, được bà con Việt kiều và gia đình chu cấp. Ông cùng đơn vị chiến đấu ở Hạ Lào từ 1950 đến 1954. Hòa bình lập lại ở Đông Dương, đội quân ấy về nước ban đầu tập kết ở Thanh Hóa, ông được điều làm cán bộ tuyên huấn của sư đoàn 35 với nghiệp vụ nhiếp ảnh.
Về báo Tiền Phong ông được phân công chụp các hoạt động của Đoàn trong phong trào Thanh niên ba sẵn sàng: sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào khi Tổ quốc cần, với tinh thần Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Chủ đề thanh niên tòng quân, sản xuất chiến đấu giỏi, học tập tốt v.v... ở các tỉnh miền Bắc luôn là đối tượng thể hiện
của ông.
Khi xem xét giải thưởng về ảnh chiến tranh, trong rất nhiều ảnh bom đạn ngút trời đầy chất hào hùng của nhiều tác giả, bỗng nhiên các thành viên hội đồng xét duyệt như chững lại, dịu đi bởi những tấm ảnh Hậu phương thời chiến rất bình dị, đầy lạc quan của Mầu Hoàng Thiết. Đó là cuộc sống thực của hậu phương lớn, nơi không có quân đội Mỹ và Sài Gòn hành quân nhưng có máy bay Mỹ liên tục oanh tạc. Giao thông, cầu cống, bến cảng, kho bãi, đê điều đều là mục tiêu bắn phá. Cụm tác phẩm 5 ảnh của Mầu Hoàng Thiết sinh ra trong khung cảnh đó:
1-Gái làng tiễn trai làng Phú Xá tòng quân (xã Phúc Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Xuân Tân Hợi, 1971). Hai cô gái có bím tóc dài cười rạng rỡ tặng các chàng tân binh cành bích đào, các nhánh buộc lại bởi lạt tre, đợi khi đến đơn vị gỡ lạt đi thì cành nhỏ sẽ xòe tròn, nở hoa tưng bừng. Các chàng trai không chút ngượng ngùng, nụ cười tươi sáng nhận lấy cành hoa. Đây là giây phút bình yên, hạnh phúc nhất trong lòng người lính trẻ.
2- Em đến lớp nơi sơ tán (con em công nhân nhà máy in Tiến Bộ sơ tán ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây nay là Hà Nội, 1967). Bảo đảm tính mạng cho tuổi thơ dưới bom đạn là công việc cấp thiết. Bảo đảm học tập, vui chơi cho các em, không để các em nơm nớp sợ hãi chết chóc, lại quan trọng không kém. Nhìn các em tươi cười hồn nhiên cổ đeo mũ rơm, vai đeo túi cứu thương, tay khoác túi sách vở, sao mà yêu, mà thương lũ trẻ thời chiến làm vậy. Các em cười vô tư mà người lớn nghẹn lòng.
3- Đón con sau giờ trực chiến (thị xã Hải Dương, 1967). Hai người mẹ áo thâm, vai đeo súng trường vẫn còn chiếc nón bên hông, mỗi người bế xốc một đứa trẻ, đứa con trai thì cười, đứa con gái mếu máo. Một bạn ở góc trái ảnh ngước nhìn lên như thèm mẹ đón, chắc hẳn mẹ em đến muộn... Ngần ấy chi tiết thôi cũng đủ làm chúng ta sững sờ với tình mẫu tử thời lửa đạn.
4- Học sinh Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Tây học và hành nơi sơ tán. Cảnh học sinh soi kính hiển vi ngoài trời, có em thực tập nghe ngóng nhịp mạch của con bò mà chủ của nó là một thiếu nhi... Xem ra sự gắn bó giữa học và hành rất hiệu quả.
5- Vựa ngô chống Mỹ huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Bức ảnh cho ta thấy ngô trên xe, ngô trong sọt chất đống, ngô đầy thúng dưới bàn tay các cô gái trẻ. Khuôn mặt các cô sáng sủa, trắng trẻo làm sao. Hoàng Thiết thật khéo, ông sử dụng sự phản quang của những bắp ngô trắng nõn hắt ánh sáng lên gương mặt ngược sáng của nhân vật, xóa đi bóng râm trên mặt. Nhờ vậy ảnh có độ trong, mịn hài hòa. Kỹ thuật tạo hình bằng ánh sáng tự nhiên này chỉ có được ở những tay máy thâm niên, tinh tế.
Với 5 tấm ảnh giản dị, người xem nhận ra nét đặc biệt trong cuộc sống bận rộn của nông thôn miền Bắc thời chiến mà nữ giới trở thành chủ gia đình, trụ cột của địa phương. Ảnh toàn phụ nữ, nhiều phụ nữ, vì nam giới ra trận hết.
Phụ nữ và trẻ em, trong hoàn cảnh chiến tranh cam go vất vả, đã chủ động tạo nếp sống khẩn trương cảnh giác, chẳng bao lâu tác phong thời chiến trở thành nếp sống kiên cường và bình tĩnh của mọi người. Hơn nữa bom đạn Mỹ sao có thể trải thảm kín ruộng đồng, núi đồi bát ngát của ta. Mà chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, đâu chỉ có thương vong. Vượt qua những hy sinh khủng khiếp do địch gây ra vẫn là cuộc sống vật chất và tinh thần bình thường, là niềm tin vào tương lai hòa bình, thống nhất đất nước. Cụm ảnh là lời giải đáp thế nào là hậu phương vững chắc, thế nào là chiến tranh nhân dân ở Việt Nam.
Sẽ có bạn hỏi, cụm tác phẩm này xuất xứ là ảnh báo chí, ngay tên ảnh và ghi chú cũng đậm nét thông tin, sao lại được gọi là ảnh nghệ thuật?
Hoàng Thiết chụp những ảnh này theo phương pháp thông tấn báo chí, với mục đích cung cấp thông tin hình ảnh cho tòa báo. Nhưng với đặc tính tạo hình trực tiếp của nhiếp ảnh, nó mở đường cho những bức ảnh chuẩn mực về nội dung và hoàn hảo về hình thức trở thành những bức ảnh nghệ thuật đích thực. Lịch sử báo chí chỉ ra rằng: Báo chí thế giới và báo chí của ta đã sớm biết khai thác thế mạnh của nhiếp ảnh để thông tin. Thế mạnh lớn nhất của nhiếp ảnh là ghi trực tiếp, chính xác, kịp thời, và sinh động. Các yếu tố này tạo nên giá trị chân thật, giá trị lịch sử và trường tồn của ảnh. Có người nói đây là sự giao thoa giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Đấy là cách nhìn từ góc độ báo chí. Còn góc nhìn từ bản chất của nhiếp ảnh thì đó là sự kết tinh của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Từ khi cầm máy ảnh đến nay, Hoàng Thiết luôn tâm niệm nhà nhiếp ảnh phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, rèn luyện tay nghề, chụp ảnh phải rõ mục đích, ảnh phải hàm chứa nội dung xã hội và có sức cảm hóa. Trong nhiều cuộc trao đổi nghiệp vụ, ông thường nhấn mạnh tinh thần đó. Từ nhận thức đúng đắn này- cầm máy ảnh đi vào cuộc sống, mà ông và Mai Nam mới có những tác phẩm để đời, trở thành những phóng viên nổi tiếng của báo Tiền Phong, nghệ sĩ nhiếp ảnh có vị thế của Hội NSNAVN.