Sắp công bố kết luận kiểm toán sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19

TPO - Kiểm toán chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ sẽ được Kiểm toán Nhà nước công bố vào đầu tháng 7 tới.

Vào cuối tuần này, Kiểm toán nhà nước sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 và Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”.

Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, mục tiêu kiểm toán nhằm đánh giá tính khả thi, kịp thời trong việc ban hành và tuân thủ các văn bản về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực một số chính sách đối với lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân, người lao động và chính sách an sinh xã hội; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khẳng định, đây là cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cũng là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, được triển khai trong thời gian ngắn và đòi hỏi phải cho kết quả cao nhất.

Sơ bộ kết quả kiểm toán cho thấy, tính đến 31/12/2021, tổng nguồn lực đã huy động phòng chống dịch hơn 376.217 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chi hơn 130.551 tỷ đồng; xuất từ kho dự trữ nhà nước 66.557 tấn gạo và sử dụng ngân sách nhà nước mua gạo của các doanh nghiệp để xuất hỗ trợ cho các địa phương 75.459,6 tấn, với trên 10 triệu người.

Về nguồn viện trợ nước ngoài (chủ yếu là vắc xin) đến 31/12/2021 số cam kết là 78,1 triệu liều; số đã tiếp nhận 69 triệu liều, tương đương 11.468 tỷ đồng.

Nguồn thực hiện các chính sách hỗ trợ hơn 140.589 tỷ đồng, gồm: Chính sách miễn giảm thuế 31.030 tỷ đồng; chính sách tín dụng 46.639 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội 36.815 tỷ đồng; giảm tiền điện 15.223 tỷ đồng; dịch vụ viễn thông 10.880 tỷ đồng. Nguồn huy động khác là 93.608 tỷ đồng.

Nguồn lực chi cho chống dịch từ khu vực nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, tổng hợp số liệu từ 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương còn thấy một số vấn đề. Trong đó có việc huy động nguồn lực và số liệu báo cáo chưa đầy đủ; có sự chênh lệch giữa các số liệu báo cáo; việc lập dự toán còn thiếu thuyết minh, chưa đầy đủ cơ sở; phân bổ, giao dự toán chưa phù hợp với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao…

Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời, sát thực tiễn, chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng, chiếm 4,8% so số kinh phí của các đơn vị được kiểm toán.