Sắp chạy thử tàu sân bay nội địa, Ấn Độ sớm thành đối thủ đáng gờm của Trung Quốc

TPO - Hải quân Ấn Độ sắp đưa tàu sân bay nội địa đầu tiên ra hoạt động thử nghiệm trên biển. Bước đi này sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ. (Ảnh: Print)

Chuyến chạy thử nghiệm trên biển của tàu INS Vikrant dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuần trước nói rằng con tàu này sẽ bắt đầu được đưa vào biên chế trong nửa đầu năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng tàu sân bay mới sẽ giúp Ấn Độ thể hiện sức mạnh lớn hơn ở khu vực mà sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng rõ nét.

Hồi tháng 5, Kenya động thổ công trình cảng biển do Trung Quốc xây trên đảo Lamu ở Ấn Độ dương. Tuần trước, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan cho biết nước này có thể khôi phục kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để xây cảng biển trị giá 10 tỷ USD ở Bagamoyo.

INS Vikrant là tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ. Tàu đầu tiên là INS Vikramaditya, con tàu 35 năm tuổi từng phục vụ trong hải quân Nga trước khi được Delhi mua lại.

Trung Quốc đang có 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, trong khi đang chế tạo tàu sân bay thứ ba. Một số bài báo nói rằng con tàu thứ ba này có thể được hạ thủy trong năm nay.

Chính phủ Ấn Độ gọi tàu sân bay mới là “tài sản tiềm năng nhất trên biển” và “tài sản quân sự không thể so sánh được”.

Tàu sân bay này sẽ hoạt động cùng các máy bay chiến đấu MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 của Nga, trực thăng đa nhiệm MH-60R do Mỹ chế tạo và trực thăng hạng nhẹ tiên tiến do Ấn Độ tự làm.

Ben Ho, một nhà phân tích hàng hải tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam của Singapore, cho rằng tàu sân bay mới sẽ giúp New Delhi có thêm nhiều lựa chọn “trong hàng loạt kịch bản, bao gồm cả khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa với Bắc Kinh”.

“Có một hạm đội tàu sân bay lớn hơn sẽ giúp Ấn Độ tự tin và mạnh mẽ hơn trong chiến lược biển, và điều này là để đối phó với sự xâm nhập của Bắc Kinh vào sân nhà của Delhi ở Ấn Độ Dương”, ông Ho nói.

Yogesh Joshi, một nhà nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á thuộc ĐHQG Singapore, cho rằng dù INS Vikrant sẽ tăng đáng kể hiện diện và năng lực tấn công của Ấn Độ trên biển, nhưng điều đó không hẳn là dấu hiệu Ấn Độ sẽ bắt đầu đưa tàu chiến đến Biển Đông.

“Các tàu sân bay sẽ giúp Ấn Độ có mức độ kiểm soát nhất định trên Ấn Độ dương và do đó sẽ là công cụ đối phó bất kỳ nguy cơ phong tỏa kinh tế nào mà Trung Quốc tạo ra trong tình huống khủng hoảng”, ông Joshi nói.

Các nhà phân tích cho rằng tàu sân bay mới sẽ giúp New Delhi theo đuổi các mục tiêu đối ngoại và chiến lược, như tăng cường hợp tác với 3 thành viên trong Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật và Úc, sau khi nhóm này tham gia đợt tập trận Malabar vào tháng 11 năm ngoái.

Ông Joshi cho rằng INS Vikrant có thể thay đổi chiến lược của Bộ Tứ ở khu vực. “Một thay đổi có thể xảy ra là Ấn Độ sẽ sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở Ấn Độ dương theo sự phân chia nhiệm vụ trong Bộ Tứ. Điều đó sẽ giúp Mỹ và các thành viên khác rảnh hơn để tập trung vào Biển Đông”, ông Joshi nói.

Việc chế tạo tàu sân bay này cũng thể hiện năng lực ngày càng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cho biết 75% con tàu được chế tạo trong nước, “từ thiết kế đến vỏ thép đến các vũ khí chủ chốt và thiết bị cảm biến”.

“Với việc chế tạo tàu sân bay, sẽ có thêm nhiều quốc gia, nhất là ở Nam Á và Đông Nam Á, vốn phụ thuộc vào thiết bị quân sự Trung Quốc sẽ có thể chuyển sang lựa chọn khác là Ấn Độ”, RS Vasan, một đại tá nghỉ hưu và hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc ở Chennai, nhận định.

Theo ST, Print