Mở đầu buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc Lệnh công bố nghị quyết lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành mà Quốc hội đã thông qua ngày 29/6.
Trả lời báo chí về những sai sót của bộ luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, sai sót trong Bộ luật hình sự thể hiện ở một số dạng như: quy định thuộc những quy định chung của bộ luật có mâu thuẫn với nhau về phần tội phạm, tội tàng trữ lưu hành tiền giả, tàng trữ trái phép chất ma túy…
Về hướng sửa đổi tới đây, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, nhất là các cơ quan tư pháp báo cáo về những sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tiến hành rà soát, tập hợp những sai sót.
Tuy nhiên, ông Tụng nhấn mạnh, những sai sót xảy ra thuộc về kỹ thuật là chủ yếu chứ không sai về đường lối chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Mặc dù vậy, những sai sót này có thể ảnh hưởng đến quá trình thực thi Bộ luật Hình sự, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai.
“Cá nhân tôi là ĐBQH, đã biểu quyết bộ luật, tôi nhận trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước Đảng, trước Nhân dân. Sau vụ việc này, chúng tôi thấy rằng phải rút ra những bài học cụ thể, từ việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, đến việc lập ban soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, thẩm tra… đảm bảo chất lượng các dự án luật trước khi trình ra Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trách nhiệm chung thuộc về tập thể Quốc hội và sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân”, ông Luật cho hay.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo sáng 30/6
Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng khẳng định, những sai sót trong bộ luật có trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có cả trách nhiệm của cá nhân ông – một trong những ĐBQH ấn nút tán thành.
Để xảy ra sai sót này là có lỗi với cử tri và người dân, còn xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức cá nhân, ông Hùng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm tập thể của cơ quan liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Về việc QH có xin lỗi người dân hay không, theo ông Hùng vấn đề này QH sẽ quyết định.
“Phát hiện ra sai sót này chính là từ phía cử tri, nhà chuyên môn và báo chí. Một lần nữa tôi thấy vai trò giám sát của cử tri, của người dân là hết sức quan trọng. QH khóa XIII mặc dù sắp hết nhiệm kỳ, chuẩn bị bước sang khóa XIV rồi các khóa tiếp theo sẽ phải tiếp tục chú ý đến việc phát huy vai trò giám sát của cử tri, của người dân hơn nữa để nâng cao được chất lượng Quốc hội, trong đó có vấn đề lập pháp”, ông Hùng chia sẻ.
Liên quan đến việc thu hồi ấn phẩm đã phát hành, ông Hùng khẳng định, chắc chắn phải thu hồi và quy trình, cách thức thu hồi ra sao sẽ xử lý theo luật định.
Lý giải về việc lùi ba luật khác có liên quan, ông Nguyễn Văn Luật cho biết, cùng với Bộ luật Hình sự, ba luật khác cũng phải lùi hiệu lực thi hành để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, vì các đạo luật này có viện dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Ông Luật khẳng định, việc lùi để đảm bảo tính đồng bộ chứ các đạo luật này không có sai sót.
Theo ông Luật, nếu không có vấn đề gì, bộ luật sẽ có hiệu lực từ 1/7, thời gian rất gấp. “Chúng tôi đã tham mưu nhiều phương án, cuối cùng đã quyết định phương án là các ĐBQH ở 63 tỉnh, thành họp tại đoàn, nghe báo cáo, thảo luận tờ trình, xem xét danh sách ban kiểm phiếu. Sau đó, các ĐBQH bỏ phiếu thông qua nghị quyết. Phiếu gửi đến ĐBQH cũng được thiết kế như biểu quyết ở hội trường, bao gồm tán thành, không tán thành, không biểu quyết. Phiếu của ĐBQH được chuyển về Nhà Quốc hội, kiểm phiếu theo đúng quy trình”, ông Luật cho hay.
Về kết quả kiểm phiếu xin ý kiến ĐBQH trước đó, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Tổng số phiếu phát ra 449 phiếu, thu về 438 phiếu, số phiếu hợp lệ 438, số phiếu đồng ý 423 (85,63%), 11 phiếu không đồng ý (hơn 2%) và 4 phiếu không biểu quyết.