Bảo tàng nông cụ, vật dụng
Bản người Mông đặc sắc ấy là bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, chon von trên độ cao ngàn mét so với mực nước biển. Tên Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa "Suối có vàng". Từ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ sang bản khó cảm nhận được sự thay đổi độ cao so với từ phố núi Lai Châu ngược lên.
Trong không khí mát lành lan tỏa những cánh rừng nguyên sinh, Sin Suối Hồ thanh bình lảnh lót tiếng chim, tiếng trẻ thơ học bài, tiếng máy khâu vải nơi hiên nhà... và mơ màng bảng lảng sương, mây. Dọc theo các lối nhỏ, con dốc với những chậu địa lan điểm xuyết có những khung cổng độc đáo được làm từ sự kết hợp vật liệu sẵn có của miền cao với vật liệu hiện đại. Những khung cổng mang dáng hình yên ngựa, khèn, cuốc, cày... hay được bài trí thêm ghế nan, dao (gỗ), mõ trâu...
Chị Sùng Thị Ly (SN 1968, dân tộc Mông) dẫn chúng tôi thăm bản. Theo từng nhịp chân chị Ly, tiếng nhạc xập xèng phát ra từ những đồng bạc đính trên bộ váy truyền thống người Mông. Chị giới thiệu, bản có hơn 100 hộ, mỗi hộ chọn một vật dụng, nông cụ khác nhau gắn bó với đời sống của người Mông để trang trí, làm điểm nhấn cho cổng nhà. Chị Ly là con dâu của bản, chồng làm ở nhà máy thủy điện cách bản 7km. Hai vợ chồng vừa tách hộ, mới cất nhà riêng chưa kịp dựng cổng.
"Cổng mỗi nhà là một dạng định danh, phân định tựa số nhà nơi phố thị", chị Ly nói và quay sang giới thiệu người bạn đồng hành là anh Trăng A Xà (SN 1995) hiện làm trưởng ban công tác mặt trận của bản, có cổng nhà được trang trí hình yên ngựa.
Anh Xà tiếp lời, hồ hởi: "Bản giống như một bảo tàng về các loại vật dụng, nông cụ gắn bó với đời sống của người Mông. Từ đầu bản đến cuối bản, cổng các nhà gắn với một công cụ, vật dụng. Việc lựa chọn vật dụng, công cụ này tùy vào sở thích của từng gia chủ và không trùng lặp nhau". Ở bản nhà chưa có số, đường chưa có tên, nhưng việc chỉ dẫn đường hay nhà khi có người hỏi thăm không mấy khó khăn, có thể hướng dẫn nói về đặc điểm của cổng.
Theo anh Xà, những cổng nhà đặc sắc ấy là một trong những minh chứng cho sự chuyển mình làm du lịch của bản Sin Suối Hồ, từ cách đây hơn chục năm. Không chỉ cổng mà những nếp nhà, con đường, lối sinh hoạt, sản xuất cũng được thay đổi tốt đẹp hơn. Bản có đường bê tông thay cho đường đất bụi mù ngày nắng, sình lầy ngày mưa; có điểm trường mang đến những bài học, con chữ đầu đời cho các em... Đặc biệt, cuộc sống của đồng bào ấm no hơn.
Sin Suối Hồ có nhiều người nghiện hút, nghiện rượu, nghèo khó, không điện - đường - trường - trạm, giờ đây, chỉ còn láng máng trong ký ức của anh Tráng A Xà và trong câu chuyện của bậc cao niên khi nói về những đổi thay của người, của bản.
"Bản ngày càng tươi đẹp, có nhiều thứ không tích cực là không uống rượu, không cờ bạc, không hút chích ma túy, không trộm cắp...", anh Xà tự hào.
Để chứng minh thêm cho những "không" tốt đẹp và nét đặc sắc của bản Sin Suối Hồ, anh Xà và chị Ly dẫn chúng tôi đến chợ.
Dưới những tán xanh rì, khu chợ không chỉ nơi giới thiệu, buôn bán trao đổi hàng hóa mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng. Chợ họp theo phiên vào thứ Bảy hằng tuần. Dù không phải ngày phiên chợ, những sạp hàng thiếu chủ vẫn bày biện sinh sắc đủ thứ đồ nông sản, thổ cẩm.
Bản đồ đá chia ruộng
Theo chân hai hướng dẫn viên du lịch đặc biệt của bản Sin Suối Hồ, chúng tôi sải bước đến Đá Sổ đỏ. Gần lối xuống những đá hòn đá tảng "sổ đỏ" có cây Tung qua sủ sừng sững, vậm vạp xù xì rêu nổi bật trên nền xanh mượt của rừng trúc.
Theo chị Ly anh Xà, Tung qua sủ là loại cây chuyên dùng nhuộm vải, cây này có tuổi thọ 300 năm là chứng nhân những đổi thay của người, của bản và của những ngày người Mông họp nhau bên phiến đá lớn được chọn để quy ước, khắc đánh dấu số nhân khẩu, chia ruộng đất. Và phiến đá đánh dấu chia ruộng đất ấy được gọi theo nghĩa mới, cho dễ hiểu là "Đá Sổ đỏ".
Đá Sổ đỏ ở Sin Suối Hồ nằm giữa một cụm dân cư với những mái nhà trình tường của người Mông. Những phiến đá lớn chồng lên nhau tự nhiên, trải qua bao nắng mưa, sương phủ đã mòn vẹt nhưng vẫn rờ rỡ nét khắc mang đậm dấu ấn chế tác của bàn tay con người. Những nét khắc tựa hoa văn phủ lên phiến đá khiến chẳng thể đừng suy nghĩ mà phóng tầm mắt về những trảng ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây.
Anh Xà cho biết, phiến đá cổ có các vạch khắc này là một trong những điểm tham quan cho du khách mỗi khi đến bản. Không có văn tự hay tài liệu liên quan để tính niên đại của phiến đá cổ này, nhưng qua di sản này du khách sẽ biết cách đánh dấu quyền sử dụng đất của người Mông xưa kia ở Sin Suối Hồ. Mỗi vạch khắc được tương đương với khoảnh ruộng bậc thang đã khai khẩn được.
Cũng theo hướng chỉ của anh Xà, đôi chỗ trên Đá Sổ đỏ có một số hình khối, khác với những nét khắc ngang sâu liền mạch. Những hình nét khắc hình khối ấy gợi đến những ký tự chưa được giải mã ở những bãi đá cổ ở những miền cao Tây Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Nấm Dần (Hà Giang)!
Sự kỳ thú của Đá Sổ đỏ và văn hóa người Mông, cùng các lợi thế được thiên nhiên ưu đãi của Sin Suối Hồ hứa hẹn là điểm hấp dẫn gọi mời du khách đến trải nghiệm.