Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội bất thường, sáng 4/1 về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là hành lang vận tải có vai trò rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo sức lan tỏa lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đề xuất đầu tư 729 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thuộc các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỷ đồng.
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhằm kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Theo ông Thể, việc thu phí dịch vụ sẽ được triển khai liên thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án giai đoạn 2017 - 2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng.
Rút kinh nghiệm về những bất cập, khó khăn trong việc cung ứng vật liệu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương, đánh giá cụ thể về nhu cầu sử dụng, quy hoạch nguồn cung cấp vật liệu, hiện trạng khai thác.
Trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với các địa phương triển khai ngay việc điều chỉnh quy hoạch (nếu cần thiết), thực hiện nâng công suất, gia hạn các mỏ đang khai thác, cấp phép mỏ mới… bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu cho Dự án; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý chặt chẽ về giá vật liệu, xử lý nghiêm các tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi.