Rờn rợn... một nụ hôn

Cho đến giờ, sự kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư tối 4-11-2012 tại Phòng trà Không Tên ở TPHCM vẫn hằn sâu trong tâm tưởng mọi người. Hình ảnh đó đã gây sự phản cảm, thậm chí dấy lên dư luận bất bình trong công chúng.

> Bộ VH-TT-DL mời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội làm việc vụ 'khoá môi'
> Hé lộ tin nhắn Mr.Đàm gửi sư thầy bị hôn

HÓA RỒ!

Anh ca sĩ tay phải vít chặt sau gáy nhà sư tội nghiệp, áp chặt môi vào miệng sư. Nhà sư nét mặt cực kỳ khổ sở, hiện rõ sự kinh tởm nhưng bất lực vì đã bị bàn tay khỏe khoắn của anh chàng khóa chặt.

Hai người đều nhắm mắt, nhưng nhà sư nhắm mắt vì đang buộc phải chịu đựng điều kinh khủng, anh ca sĩ có những lọn tóc nhuộm vàng trên đầu thì đang thăng hoa thực sự. Toàn bộ hình ảnh nói rõ điều đó, không thể có lời nào biện minh được.

Như đã biết, tối 4-11-2012, Đàm Vĩnh Hưng đem một chai rượu Tây đến bán đấu giá để lấy tiền làm từ thiện và tuyên bố sẽ hôn người trúng đấu giá.

Kết quả thật oái oăm, hai nhà sư tham dự đã trúng, chai rượu ấy được trả 55 triệu đồng! Nhà sư không ai uống rượu cả, nhưng các sư dự đấu giá chủ yếu để có lý do đóng góp tiền làm từ thiện.

Chắc chắn các nhà sư không thể lường trước được tình huống này và hoàn toàn bị động. Đàm Vĩnh Hưng đã hôn môi nhà sư trẻ và hôn tay nhà sư lớn tuổi hơn. Các sư không thể cưỡng được vì quá bất ngờ! Ai cũng thấy thế, trừ những “fan cuồng” của anh chàng này.

Đàm Vĩnh Hưng lâu nay là “ngôi sao” có cát-xê rất cao. Rất đông thính giả trẻ mê cái sự hát của anh. Trong giới ca hát, anh là người giàu có gấp nhiều lần những ca sĩ được đào tạo bài bản, trong đó không ít người vừa biểu diễn vừa tham gia đào tạo ca sĩ ở trường nhạc, thu nhập đương nhiên thua xa những “sao” như Đàm Vĩnh Hưng.

Thật đáng tiếc, hành động hôn môi nhà sư của Đàm Vĩnh Hưng chỉ có thể gọi là sự hóa rồ của một anh trọc phú ít học. Trong trường hợp này, nếu Đàm Vĩnh Hưng biết rằng hành động của mình có thể khiến cho nhà sư sẽ bị giáo hội phạt rất nặng, thì anh đã quá khinh suất.

Ngược lại, nếu anh không hề biết và thực sự chỉ là cao hứng, là hành động nhằm cảm ơn nhà sư, thì hiểu biết của anh quá kém.

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn chính thức yêu cầu Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TPHCM xử lý nghiêm vụ việc gây rúng động dư luận này.

Đàm Vĩnh Hưng sau đó đã viết thư tay đưa lên mạng, ngỏ lời xin lỗi và thanh minh rằng đó chỉ là nụ hôn để cảm ơn hai nhà sư trúng đấu giá!

Trên mạng internet, một số ý kiến bày tỏ sự bất bình với hành động của Đàm Vĩnh Hưng, trong đó có những lời lên án rất nặng nề. Nhiều người hô hào tẩy chay anh này, lời lẽ nặng đến nỗi không thể viết ra đây được.

Những ý kiến trên mạng nói lên nhiều điều, nhưng chung qui là Văn Hóa.

BUỒN CHO THỊ HIẾU

Nghệ sĩ là người của công chúng, đã hẳn là thế. Nhưng công chúng nào, nghệ sĩ nào?

Cách đây chừng năm năm, tại sân Nhạc viện TPHCM, tôi hỏi một nghệ sĩ ưu tú ngành thanh nhạc vốn được đào tạo ở châu Âu những năm sáu mươi thế kỷ trước, lúc ấy đang giảng dạy tại nhạc viện, rằng tại sao có quá nhiều “ngôi sao” ca nhạc hát dở như thể đang phá nát tác phẩm, họ có học ở nhạc viện không vậy?

Ông nghệ sĩ ưu tú nói ngay: “Tại các anh! Các anh tâng họ lên, làm cho dân chúng cứ ngỡ họ là “sao” thật nên mê, có người giả vờ mê để khỏi bị chê là dốt! Nhà báo ca ngợi họ là “sao” thì đương nhiên công chúng phải tin. Mấy “sao” mà anh vừa nói là những người có năng khiếu, nhưng chẳng ai được đào tạo có hệ thống cả”.

Rồi ông bảo, nghề hát cũng giống như luyện thể hình, phải được đào tạo và tập luyện hàng ngày, suốt đời luyện hàng ngày.

Hơn nghề nào hết, nghề hát đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, cho nên chỉ có khát vọng làm ca sĩ thôi chưa đủ. Ca sĩ được đào tạo căn bản trình bày ca khúc khác hẳn người tay ngang.

Về phần mình, thính giả phải có tâm hồn, có kỹ thuật nghe thì mới nhận ra ca sĩ có nghề hay không. Ca sĩ không được đào tạo thì chỉ dăm năm là “đứt hơi”.

Những kỹ năng lấy hơi, nhả chữ, luyện âm vực, rèn sắc thái biểu cảm và hóa thân vào tác phẩm... phải tốn khá nhiều cơm gạo mới học được cho hẳn hoi, chưa nói đến chuyện duy trì hàng ngày.

Trong những năm qua, có khá nhiều “ngôi sao” ca nhạc trẻ tuổi đã nổi đình nổi đám, tạo được sự mê đắm của thính giả trẻ. Họ nổi không phải nhờ trình độ chuyên môn cao mà là công nghệ lăng xê cực kỳ siêu việt.

Nghe họ hát giống như nghe đọc bài chính tả, nhưng biểu diễn hình thể, trang phục rất cuốn hút. Nếu hình dung việc trình diễn một ca khúc giống như đọc một bài thơ thì người nghệ sĩ có nghề sẽ “đọc diễn cảm”, thổi hồn vào tác phẩm, còn người thiếu kỹ năng sẽ “đọc chính tả” mà nhiều khi đọc không rõ chữ.

Thông thường, một người phải mất nhiều năm học trong trường mới có thể thành nghệ sĩ thực thụ, có đầy đủ kỹ năng cần thiết để làm nghề. Họ phải được học nhiều phân môn bổ trợ khác ngoài kỹ thuật thanh nhạc để có đủ tri thức văn hóa đảm bảo hoạt động lâu dài.

Thính giả là những người góp phần quan trọng “nuôi sống” ca sĩ. Nhưng ai trong số họ sẽ phân biệt được sự “đọc diễn cảm” và “đọc chính tả” không tròn vành rõ chữ, như vừa nói trên đây? Mỗi giọng hát, mỗi phong cách hát có thính giả riêng của nó.

Người nghệ sĩ có chiều sâu sẽ biết nên hạnh phúc hay buồn trước số lượng thính giả không đông đúc, không cuồng nộ của mình...

Chúng tôi vừa nghe tin Đàm Vĩnh Hưng có thể bị phạt 5 triệu đồng. Nhiều người phì cười khi nghe mức phạt này. Trộm nghĩ, may cho Đàm Vĩnh Hưng vì đạo Phật vốn rộng lòng hỷ xả, giới luật cũng không hà khắc, cho nên sau sự cố này, Giáo hội chỉ phạt nặng nhà sư thôi. Có những tôn giáo qui định giới luật rất khắt khe, kẻ xúc phạm nhà tu hoặc tôn giáo của họ có thể bị phạt vạ nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Khương Hồng Minh
congan.com.vn

Theo Đăng lại