Cơn lũ trái mùa cuối tháng 3 đã nhấn chìm nhiều diện tích rau màu của nông dân một số huyện tại Quảng Nam, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dưa hấu chuẩn bị đến vụ thu hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, sau lũ có 570 ha dưa hấu bị ảnh hưởng, trong đó 180 ha bị ngập và hư hỏng 100%. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thông tin ban đầu của nhóm thiện nguyện tại Quảng Nam, hiện trong tổng số gần 2.000 tấn dưa còn tồn đọng, có khoảng 500 tấn bị ngập nước cần được tiêu thụ ngay trong tuần này.
Bắt đầu từ chương trình bán nông sản hỗ trợ nông dân vùng lũ của nhóm các bạn trẻ miền Trung, chỉ sau gần một tuần phong trào bán dưa ủng hộ đã lan truyền và nhận được sự tham gia nhiệt tình của nhiều cá nhân, đơn vị tại các địa phương cả nước.
Đêm 6/4, khi chuyến dưa đầu tiên tới Hà Nội, anh Đặng Như Quỳnh - người trực tiếp vận chuyển cho biết, việc vận chuyển hiện rất gấp gáp bởi nếu để sang tuần sau, đầu cuống dưa sẽ đứt, gây hỏng quả. Do vậy, việc liên hệ đầu mối trong vùng dưa đến khâu vận chuyển, địa điểm bán, các đầu mối giao nhận tại Hà Nội đã được nhóm của anh lên kế hoạch rất nhanh chóng.
"Với giá mua tại ruộng 3.000 đồng một kg cộng thêm một số chi phí hành trình giá bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số địa phương lân cận thống nhất chung là 5.000 đồng một kg. "Hôm qua, số tiền 100 triệu đặt cọc đã được đầu mối Quảng Nam nhận và bàn giao cho nông dân", anh nói.
Anh cũng cho biết, tuy hàng chưa về nhưng lượng dưa được đặt mua khá lớn, do vậy trong 3 ngày tới khoảng 50 tấn dưa sẽ tiếp tục được đưa ra Hà Nội. Nhóm đặt địa điểm bán dưa duy nhất tại phố Nguyễn Xiển, đồng thời cũng nhận ship hàng đến các đơn vị đăng ký mua số lượng lớn. "Nên lúc này mình rất cần sự hỗ trợ của nhiều tình nguyện viên", anh nói.
Để đảm bảo cho người mua dưa hấu đúng địa chỉ vùng nông dân bị lũ, mọi hoạt động bốc dỡ dưa tại vườn và biển số xe địa phương đều được nhóm cập nhật liên tục trên diễn đàn.
"Có nhiều khách hàng cũng băn khoăn việc dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh quay trở lại tiêu thụ thị trường nội địa, nhưng mình chắc chắn không có chuyện đó. Bởi dưa hấu tại cửa khẩu là của thương lái đã thu hoạch trong nhiều ngày đang bị héo, nếu chuyển ngược trở lại nội địa chi phí đội lên quá lớn, chẳng ai dại làm như vậy”, anh cho biết.
Nhận lời mời mua dưa ủng hộ nông dân Quảng Nam từ một người bạn đang du lịch gần địa phương bị lũ, chị Nguyễn Thị Hương (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) thử kêu gọi thêm bạn bè trên mạng xã hội tham gia chương trình. Chị cho biết ban đầu dự tính mua từ thiện 5 tấn, song chỉ sau một ngày chia sẻ thông tin trên internet nhiều thành viên đã nhiệt tình đăng ký mua số lượng lên đến 14 tấn.
"Chỉ trong một buổi sáng sau khi sản phẩm được tập kết tại 4 điểm bán, toàn bộ số dưa đã được bán hết, thậm chí rất nhiều người đã rất tiếc nuối khi không kịp đến mua", chị Hương nói.
Ngoài Hà Nội, trong ngày 7/4, khoảng 5 tấn dưa cũng được vận chuyển tới các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên và Quảng Ninh. “Chủ yếu là mua ủng hộ nên gần như mọi người không hỏi han nhiều về chất lượng cũng như mẫu mã", đại diện đầu mối tại Điện Biên cho hay.
Chị này cũng cho biết nhu cầu người mua tại địa phương vẫn khá lớn, nếu thêm người hỗ trợ mới có thể đáp ứng số lượng dưa cần thiết. “Tuy là công việc không bắt buộc nhưng vẫn cần sự tham gia của nhiều người bởi quãng đường di chuyển nông sản từ Quảng Nam về địa phương khá xa, chưa kể đến sắp xếp lịch trình, thuê phương tiện, thuê địa điểm bán đều không hề dễ dàng”, chị nói.
Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, TP HCM... cũng là những thị trường bắt đầu tiêu thụ lượng dưa hấu này. Hiện một nhóm công tác xã hội tại Thanh Hóa đang đợi 10 tấn dưa từ Quảng Nam chuyển ra trong ngày 8/4. Đại diện nhóm cho biết sau khi đọc các thông tin trên báo chí, thành viên đã chủ động liên lạc với đầu mối tại địa phương vùng lũ.
“Trên internet cũng xuất hiện trào lưu kêu gọi ủng hộ mua dưa hấu từ thiện. Do vậy, chúng tôi cũng rất thận trọng, tìm hiểu kỹ đầu mối tại vùng trồng. Vấn đề ở đây không phải là chuyện kinh doanh lời lãi mà việc làm xuất phát từ tấm lòng, hỗ trợ phần tiền đầu tư mà bà con nông dân đã bỏ ra trước đó. Vì vậy, nếu mình làm không đến nơi đến chốn rất dễ mang tiếng", anh nói.
Không có nhiều thời gian tham gia bán dưa cùng một số người quen, nhưng bằng việc mua ủng hộ 10 quả dưa với chị Lê Thị Thanh (Dương Nội, Hà Đông) đó cũng là cách chia sẻ với bà con nông dân.
"Mình đã chuyển số tiền trước khi nhận dưa, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vì nhóm bán hàng cho biết không đủ số lượng để cung cấp. Hiện Hà Nội bắt đầu có thêm nhiều điểm bán dưa, nhưng kể cả không được nhận được hàng đã đặt mua mình vẫn thấy thoải mái vì ít nhất cũng đóng góp phần nào đó cho chương trình này", chị chia sẻ.
Đánh giá cao tinh thần tương ái của các nhóm thiện nguyện cùng nhiều cá nhân trong việc tích cực hỗ trợ nông dân vùng lũ Quảng Nam thời gian qua, song một chuyên gia marketing online lo ngại khi sự việc trở thành một trào lưu hay một phong trào ở mặt tiêu cực thì bản chất sự việc rất dễ biến đổi. "Kể cả không loại trừ một số cá nhân lợi dụng để có mục đích riêng nào đó hoặc quảng bá hoặc tranh thủ lòng tốt của mọi", ông nói.
Cùng thời gian này, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày có 800 xe hoa quả đổ về nhưng chưa đến một nửa được phía Trung Quốc nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tháng 3 và 4 đúng dịp Thanh minh, phía Trung Quốc nhập nhiều hoa quả tươi. Riêng năm nay, lượng dưa hấu, thanh long tăng hơn 10% so với cùng kỳ khiến số lượng xe đổ về cửa khẩu càng nhiều, gây tình trạng ùn tắc trong nhiều ngày.
Trước đó, theo nông dân tại một số huyện tại Quảng Nam hầu hết diện tích dưa hấu đã được thương lái ngã giá trên 3.000 đồng một kg và đã đặt cọc một khoản tiền, đợi sau khi thu hoạch sẽ thanh toán hết. Song cơn lũ đã nhấn chìm toàn bộ diện tích, tiếc của nhiều người lội nước chống ghe thu hoạch dưa hấu ngâm nước nhưng đến thời điểm này gần như các thương lái đều từ chối thu mua hoặc nếu mua với giá chỉ vài trăm đồng một kg.