> Siêu bão Utor đang mạnh lên sau khi vào biển Đông
> Siêu bão Utor giật cấp 16 vào biển Đông
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chiều 12/8, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trưa qua (12/8), sau khi đi qua đảo Luzon (Philippines), siêu bão Utor vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7 từ đầu năm tới nay ở vùng biển này.
Đến 16 giờ hôm qua, bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía đông đông bắc, với cường độ cấp 13 (từ 134 đến 149 km/h), giật cấp 14, 15. Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, với cấp độ mạnh hơn. Đến 16 giờ hôm nay (13/8), bão cách quần đảo Hoàng Sa 280 km về phía bắc đông bắc. Theo ông Hải, sau đó, bão đổi hướng, đi theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc. Đến chiều mai (14/8), bão vẫn giữ cấp độ mạnh, đi vào khu vực biển phía đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào vùng Quảng Tây (Trung Quốc).
Chuyên gia khí tượng cho hay vẫn có khoảng 30% xác suất siêu bão sẽ bẻ hướng vào vịnh Bắc bộ. Điều đáng lo ngại là vùng ảnh hưởng của bão có gió mạnh cấp 10 sẽ bao trùm hết vùng biển đông bắc nước ta và một phần tỉnh Quảng Ninh. Còn gió cấp 6 sẽ bao phủ hết toàn vịnh Bắc bộ, khu các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn...
Theo chuyên gia khí tượng, mô hình dự báo của nước ngoài đều cho rằng siêu bão sẽ vào khu vực Lôi Châu, ít khả năng bão đi xuống vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, từ chiều 15/8, khu vực này sẽ có gió mạnh, đạt cấp 9, cấp 10. Còn các tỉnh đông bắc và vùng trung du miền núi phía Bắc sẽ có mưa to trên diện rộng. Mưa sẽ bắt đầu từ ngày 15 đến hết ngày 17/8. Đáng lo ngại là khu vực này, nhiều hồ, đập, đê, kè đã no nước từ cơn bão số 5, 6 trước đó.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, đến chiều qua, đã thông báo cho trên 68.450 tàu thuyền/hơn 295.600 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để phòng tránh. Đáng lưu ý, có 76 tàu/981 người (của Quảng Bình) đang trên khu vực Hoàng Sa đang trên đường về trú tránh. Đến chiều qua, 1 thuyền viên tên là Bành Quang Mười (tàu cá BĐ97030TS/11 lao động) của Bình Định bị rơi xuống biển, hiện đang tìm kiếm.
Trong khi đó, ở Bắc bộ, sau bão số 6, hầu hết các hồ chứa đã đạt tới 80-90% dung tích thiết kế. Có 10 hồ chứa đã đầy nước, trong đó 4 hồ chứa tràn tự do là Tà Keo (Lạng Sơn), Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải (Vĩnh Phúc). Sau cơn bão số 5, 6, nhiều sự cố đê điều xảy ra ở các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, trong đó chủ yếu là nứt đê, sạt trượt mái đê, rò rỉ, đùn sủi.
Trước sự nguy hiểm của siêu bão, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, nhất là trong khu vực vịnh Bắc bộ. Riêng Quảng Ninh, Hải Phòng cần xem xét lệnh cấm biển. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, sớm khắc phục các sự cố đê, kè, hồ chứa do đã “no” nước trong mấy ngày qua. Bộ Ngoại giao có công hàm, đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh, trú bão và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Hơn 1.000 tàu ở khu vực Biển Đông
Chiều 12/8, báo cáo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung cho hay, ngành chức năng các tỉnh Quảng Bình đến Ninh Thuận thông báo và hướng dẫn cho tổng số 45.114 tàu/187.101 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và bão Utor để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, vẫn còn hơn 1.000 tàu với gần 10.000 lao động vẫn còn khu vực giữa Biển Đông. Trong đó, phần lớn là tàu Bình Định, Quảng Ngãi... Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, còn gần 100 tàu.
Chiều ngày 12/8, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã liên lạc được với toàn bộ 425 tàu cá của tỉnh, trên đó có gần 3.700 thuyền viên đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Ông Trần Nhân Nghĩa, Phó Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết, tính đến chiều 12/8, TPHCM còn 40 tàu đang hoạt động trên biển với tổng số thuyền viên 383 người. Các tàu đang hoạt động trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau.