Rắn lục sừng lần đầu được phát hiện ở Ninh Bình

Các chuyên gia ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) trong đợt khảo sát tháng trước phát hiện loài rắn lục sừng, làm phong phú thêm hệ bò sát của vườn. Loài rắn này thuộc họ rắn lục Viperidae, có tên khoa học là Protobothrops cornutus, có hình dạng và hoa văn rất độc đáo. 
Loài rắn lục sừng mới được phát hiện tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Lê Trọng Đạt/ VnExpress

Rắn lục sừng sở dĩ có tên gọi như vậy vì chúng có các vảy trên mí mắt phát triển thành một đôi sừng làm cho chiếc đầu có một hình thù kỳ dị, theo website của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Đầu rắn có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, mặt trên đầu phủ vảy nhỏ, mắt nhỏ, lồi, con ngươi dẹp dọc và hốc má không to và rõ như những loài rắn lục khác. Cơ thể chúng có màu xám nâu, với những hoa văn đối xứng sẫm màu gần giống với màu của cành khô và lá mục trong rừng. Thân rắn thuôn dài, mặt bên có những đốm lớn cách đều, bụng chúng có màu xám nhạt với những đốm sẫm nhỏ, rải rác đều từ đầu tới cuối, đuôi rắn mảnh, đoạn chóp có màu vàng nhạt. Chiều dài cơ thể của chúng khoảng 50 cm.

Tại Việt Nam rắn lục sừng trước đây mới chỉ được ghi nhận tại một vài địa điểm như Sa Pa (Lào Cai), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) và Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Trên thế giới, các nhà khoa học gần đây mới ghi nhận được tại một điểm duy nhất ở vùng núi Wuzhishan thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, giáp với biên giới Việt Nam.

Phát hiện mới này cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học, sự  tồn tại của những loài mới không chỉ riêng ở Cúc Phương mà còn ở Việt Nam còn rất lớn.

Theo Theo VnExpress