Đã qua rồi thuở các nàng dâu trẻ xem đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trong thời @, việc làm dâu đã trở nên giản dị hơn nhiều. Song “làm dâu xứ lạ” có gì khác làm dâu trong nước, nhất là sự khác biệt về văn hoá, phong tục?
Với mong muốn làm cầu nối đưa những trải nghiệm, tâm tư, xúc cảm (thậm chí những quan điểm mới mẻ của những nàng dâu Việt nơi trời Tây) đến với độc giả Việt, Nhà xuất bản Phụ nữ giới thiệu xê-ri tự truyện Làm dâu xứ lạ (Bộ ba Làm dâu nước Đức, Làm dâu nước Anh, Làm dâu nước Pháp đã xuất bản, và dự kiến sẽ xuất bản: Làm dâu nước Mĩ vào tháng 6/2014).
Trong bộ sách này, các tác giả sẽ chia sẻ những kỹ năng và kinh nghiệm sống khi làm dâu ở nước ngoài: hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc; những nỗ lực vượt qua rào cản văn hóa; cách hòa nhập mà không hòa tan trong môi trường hoàn toàn khác biệt; cách nuôi dạy và giáo dục con cái; giữ gìn hạnh phúc gia đình; cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,...
Xê ri sách Làm dâu xứ lạ không chỉ giúp bạn đọc cập nhật thông tin và mở rộng tầm nhìn trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, mà còn là nơi để người viết và bạn đọc chia sẻ và bày tỏ cảm xúc, tình cảm của những người con xa xứ với quê hương, đất nước.
Làm dâu nước Đức là những suy nghĩ và những câu chuyện nhỏ, “tự họa” chân dung Phan Hà Anh, chia sẻ những câu chuyện vui có buồn có của chính chị trong vai trò làm dâu, làm vợ và làm mẹ tại thành phố Lübeck xa xôi, thuộc CHLB Đức.
Làm dâu nước Anh của Khanh Record là cuốn tự truyện chia sẻ hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc của một cô gái Việt ở xứ sở sương mù Anh quốc. Qua đó, tự họa chân dung một người phụ nữ vừa truyền thống, vừa lãng mạn, yêu tha thiết nhưng cũng rất hiện đại và bản lĩnh.
Làm dâu nước Pháp của tác giả Hiệu Constant kể về cuộc sống của một cô dâu Việt ở nước Pháp cổ kính và lãng mạn, một điển hình của người phụ nữ thời hội nhập: chủ động kiếm tìm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội và đặc biệt là không đánh mất bản sắc cội nguồn của chính mình.
Trong cơ duyên “làm dâu xứ lạ”, mỗi phụ nữ Việt vô tình vẽ nên bức chân dung tự họa bằng những gam màu tưởng chừng đối lập, gam nóng rồi gam lạnh, có màu rực rỡ, có màu trầm.
Và đâu đó… sau mỗi trang sách hài hước, tự trào còn đau đáu nỗi niềm hoài hương.