Quyết sách tại Hội nghị Trung ương 6 sẽ tạo ra bước đột phá

TP - Trong phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng”. Điều này cho thấy việc xử lý kỷ luật trong Đảng ngày càng nghiêm minh, “không có vùng cấm”.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương: Nhất thể hóa cấp huyện, xã để bộ máy năng động, hiệu quả

Việc Hội nghị T.Ư6 thống nhất bỏ ba ban chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ là hoàn toàn phù hợp. Thực tế hoạt động của các ban chỉ đạo trong thời gian qua là kém hiệu quả. Có ban còn để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Do đó, việc xóa bỏ các ban chỉ đạo trên cũng là biện pháp giảm đầu mối trung gian, giúp cho công việc của các địa phương liên thông với trung ương một cách thuận lợi hơn.

Điều đặc biệt hơn nữa, là Trung ương đã thảo luận và thống nhất thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện. Đây là một quyết định mới, sẽ tạo ra sự cải cách rất lớn cho hoạt động của bộ máy. Bởi nhất thể hóa bí thư với chủ tịch UBND không chỉ là việc giảm nhân sự, mà còn giúp bộ máy trở nên năng động, việc triển khai các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cũng sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Việc nhất thể hoá này cũng sẽ tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giữa Đảng và chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao lựa chọn được người phù hợp với vị trí được nhất thể hoá, tức là vừa giỏi công tác Đảng, vừa giỏi việc điều hành. Do đó những nơi nào, cán bộ đã từng làm chủ tịch sau đó được tín nhiệm làm bí thư, mà thấy làm việc tốt thì nên thực hiện kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Xử từ trên xuống dưới để tạo sự răn đe

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng”. Điều này cho thấy việc xử lý kỷ luật trong Đảng ngày càng nghiêm minh, “không có vùng cấm” cho dù đó là cán bộ cấp cao, người đã nghỉ hưu hay đương chức.

Điều khiến tôi đặc biệt tâm đắc nữa là nếu kỷ luật Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm, kết hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước thì mọi việc chắc chắn sẽ đi vào quy củ. Chứ nếu chủ quan, buông lỏng kỷ luật Đảng thì đó sẽ là “miếng đất” để tình trạng lộng quyền, lộng hành, lợi ích nhóm, tham nhũng leo thang phát triển.

Ngoài ra, việc xử lý theo tinh thần từ trên xuống dưới sẽ tạo ra sự chuyển động tích cực trong bộ máy, tạo lòng tin cho người dân trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, phát biểu của Tổng Bí thư cho thấy rằng Đảng ta rất nhân văn, luôn tạo cơ hội để mọi cán bộ, đảng viên tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Nếu nhúng chàm rồi thì phải tự giác mà sửa chữa, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc, không loại trừ một ai.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội: Trao quyền tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa

Là thành viên tham gia trong Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chúng tôi đã tham gia làm việc với nhiều bộ, ngành và địa phương. Qua khảo sát thấy rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập của ta vẫn còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún và có quá nhiều đầu mối quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Vì thế, việc Trung ương thông qua các nội dung cơ bản nghị quyết về tiếp tục đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết.

Theo đó, thời gian tới cần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, phòng ngừa rủi ro, hạn chế những vi phạm trong quá trình thực hiện dự toán, trong mua sắm tài sản và trong quản lý dự án… phải thực hiện ngay đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu (trừ trường hợp do Nhà nước quyết định) để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh và giảm chi phí. Ví dụ như việc đấu thầu thuốc trong BHYT là một điển hình.