Quy hoạch Hà Nội không theo tư duy nhiệm kỳ

TP - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 29-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vừa được phê duyệt có giá trị tới 40 năm chứ không phải theo nhiệm kỳ.
Hà Nội có nhiều dự án quy hoạch treo thế này phải điều chỉnh. Ảnh: Nguyễn Tú - Hồng Vĩnh

> Cần cơ chế triển khai và giám sát
> Ba Vì không trở thành trung tâm hành chính quốc gia

Hà Nội có nhiều dự án quy hoạch treo thế này phải điều chỉnh. Ảnh: Nguyễn Tú - Hồng Vĩnh.
 

Đâu là tiêu chí chính để xây dựng quy hoạch này, thưa ông?

Tiêu chí xây dựng quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn 2050 là “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Mong muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội có đô thị trung tâm, đô thị lõi và 5 đô thị vệ tinh. Quá trình làm quy hoạch chung là lâu dài nên có lộ trình, bước đi chứ không phải vài năm xong ngay được.

Trên cơ sở định hướng chung mới có quyết định điều chỉnh đô thị trung tâm theo hướng giảm bớt mật độ ở trung tâm, giảm bớt cơ sở kinh tế không phù hợp, ví dụ như nhà máy lạc hậu, gây ô nhiễm. Điều này không có nghĩa là bê nguyên nhà máy ấy ra đặt một chỗ khác mà di dời cùng với việc đưa công nghệ tiên tiến vào.

Trong bản quy hoạch vừa được phê duyệt đã không còn chủ trương chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì, thưa ông?

Đó là sự tiếp thu rất cần thiết ý kiến của các giới, ngành. Ý tưởng ban đầu có đề xuất các cơ quan hành chính quốc gia, Hà Nội di dời lên Ba Vì. Sau quá trình trao đổi, thảo luận thì thấy rằng, khi nói trung tâm chính trị ở Ba Đình thì trung tâm đó không thể tách rời trung tâm hành chính, bởi hai trung tâm này gắn chặt với nhau.

Vậy phải xử lý vấn đề trụ sở nhiều bộ, ngành, cơ quan quá chật chội thì chuyển đi đâu? Không tách quá xa lên Ba Vì nhưng vẫn cần di dời đến một nơi gần trung tâm chính trị, đó là khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Vậy theo ông khó khăn nhất hiện nay trong việc thực hiện quy hoạch chung là gì?

Khó khăn trước mắt là phải rà soát điều chỉnh hơn 700 dự án, vì có cái đã có chủ trương nghiên cứu, có cái đã phê duyệt. Giờ phải xem dự án nào phù hợp, dự án nào chưa phù hợp để điều chỉnh, thậm chí định làm chỗ này nhưng giờ không làm nữa. Tiếp đến là hình thành những không gian lớn.

Ví như tiêu chí xanh. Mà xanh có nhiều nghĩa. Thứ nhất là đảm bảo phát triển bền vững đô thị không có nhiều công trình tách khỏi môi trường thiên nhiên. Do vậy, phải điều chỉnh, kể cả đô thị hiện có và đô thị mới. Có đô thị xây mới hoàn toàn như Phú Xuyên, song cũng có đô thị kế thừa. Như Sơn Tây vốn dĩ là đô thị cổ, nay mở rộng, nâng cấp lên. Tất cả những điều đó đòi hỏi quy hoạch lại, cần nguồn lực tài chính và nhiều yếu tố khác.

Hàng trăm dự án bị ảnh hưởng, bị đình hoãn, làm sao để tránh thiệt hại cho các nhà đầu tư, thưa ông?

Lâu nay mọi người đang đợi việc phê duyệt. Bây giờ phê duyệt rồi thì mở bản đồ ra để xem xét từng đồ án cụ thể.

Hà Nội nhiều lần làm quy hoạch và đã sửa đổi. Vậy đồ án này có tư duy nhiệm kỳ không, thưa ông?

Quy hoạch này là quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, có nghĩa là nó có giá trị tới 40 năm chứ không phải theo nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tư duy của những người xây dựng, phê duyệt quy hoạch hôm nay chưa lường hết được tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của 20 năm sau thế nào.

Bây giờ, định hướng thế này nhưng tình hình thế giới, khoa học, công nghệ chuyển biến nên sau này có thể phải điều chỉnh. Sự điều chỉnh không phải tùy tiện mà do khách quan.

Cái gì không khả thi, nhất định không thực hiện

Trong đồ án quy hoạch đã xác định việc xây các cầu, hầm qua sông Hồng, cầu vượt?

Đấy là những vấn đề cụ thể, là những đề xuất để giải quyết bài toán giao thông Hà Nội bao gồm đường trên cao, đường bộ, đường dưới đất. Cầu thì cũng làm cầu trên cao, hầm chui qua sông. Nhưng vấn đề này đang được nghiên cứu, chưa phải là quyết định được phê duyệt.

Nhưng cũng có lo ngại về một hai dự án không khả thi như thành phố hai bên bờ sông Hồng, đường hầm qua sông Hồng?

Cái gì không khả thi thì nhất định không thực hiện. Cho nên cần sự phản biện của các nhà khoa học, của nhân dân. Cái gì dư luận đúng thì cơ quan chức năng phải tiếp thu, quá trình xây dựng quy hoạch này phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các giới, các ngành.

Nhìn lại chủ trương hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, theo ông thuận lợi hay khó khăn nhiều hơn?

Rõ ràng thuận lợi là cơ bản. Nếu không có quyết định mở rộng Hà Nội, thì di dời các bệnh viện, trường đại học, nhà máy đi đâu. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, việc di dời không chỉ là bê nguyên cái lạc hậu chuyển ra chỗ mới, mà chuyển ra và đầu tư xây dựng hiện đại.

Với Thủ đô Hà Nội, yếu tố văn hóa là rất quan trọng, theo ông trong quy hoạch này đã thể hiện được điều đó?

Những tiêu chí đưa ra rõ ràng là ưu tiên cho văn hóa như tiêu chí xanh, văn hóa, văn hiến. Còn tiêu chí hiện đại không ai nói không phải là văn hóa. Điều này có nghĩa Hà Nội là một đô thị đa năng, khác với một số nước xem thủ đô là đô thị hành chính; có nơi lại có quá nhiều cơ sở kinh tế.

Hà Nội là thành phố đa năng nhưng không quá thiên về các cơ sở kinh tế mà ưu tiên cho các cơ sở văn hóa. Trong đó, sẽ bảo tồn phát triển trường học, nhà hát, công viên, bảo tàng.

Hà Nhân ghi

Theo Báo giấy