Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành văn bản hợp nhất Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Nghị định nêu việc giám định cổ vật là hoạt động do tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thực hiện nhằm xác định niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và những vấn đề khoa học khác liên quan đến hiện vật được giám định.
Nghị định mới nêu rõ cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải bảo đảm các điều kiện như có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định, có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký, có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo, phục vụ hoạt động giám định cổ vật và có ít nhất 3 chuyên gia giám định cổ vật.
Giám đốc sở VHTTDL hoặc giám đốc sở VHTT có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đối với cơ sở kinh doanh giám định có trụ sở trên địa bàn.
Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích quy định các điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp như chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch, lập dự án, thiết kế, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thi công, giám sát thi công tu bổ di tích phải đáp ứng các chứng chỉ hành nghề chuyên biệt, đồng thời hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.