25 năm qua kể từ ngày thành lập Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Quỹ đã làm tròn trách nhiệm là cầu nối giữa cộng đồng, xã hội, tổ chức quốc tế và trẻ em. Tính đến nay, Quỹ Bảo trợ Trẻ em các cấp đã huy động trên 5.500 tỷ đồng, hàng trăm ngàn tấn hàng hóa và hàng triệu người tham gia, hỗ trợ trên 30 triệu lượt trẻ em.
Một loạt các chương trình hữu ích của Quỹ đã được nhiều người biết đến như Chương trình “ Vì trái timntrẻ thơ”, “ Vì ánh mắt trẻ thơ”, Chương trình hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng, chương trình hỗ trợ học bổng “ Cùng em đến trường”, chương trình hỗ trợ xe đạp, xe lăn, Chương trình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt trẻ em là nạn nhân chất độc màu da cam…
Trước câu hỏi về việc liệu Quỹ có quan tâm và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của những căn bệnh thời hiện đại, nạn nhân ấu dâm, ông Hoàng Văn Tiến cho biết, trẻ em mắc chứng bệnh tự kỷ ở Việt Nam là vấn đề mới, chứ ở các nước phát triển đã có từ lâu.
Ngay từ năm 2014, Quỹ đã đặt vấn đề hỗ trợ nạn nhân của chứng tự kỷ với tập đoàn Lotte Hàn Quốc và đã nhận được sự ủng hộ của tập đoàn với ý tưởng thành lập một trung tâm điều trị trẻ tự kỷ thử nghiệm. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ chiếm tới 8-10% ở những đô thị lớn. Đây là chứng bệnh của xã hội phát triển. Về mặt y học thì chưa xác định là bênh, về tâm lý học thì cho rằng đây chỉ là những rối nhiễu về mặt tâm trí. Chia sẻ điều này với Việt Nam, tập đoàn Lotte cũng đã có những hỗ trợ, tuy nhiên để có thể có một trung tâm hoàn chỉnh thì cần có sự ra tay giúp sức của rất nhiều nhà chuyên môn và các cơ quan ban ngành.
Ở Việt Nam, việc điều trị cho một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ khá tốn kém. Nhiều gia đình không có điều kiện thì phó mặc cho số phận, nên bệnh của các em ngày càng trầm trọng thêm. Do đó, nỗi khổ chỉ đè lên đứa trẻ và các gia đình không may gặp phải tình trạng này.
Năm ngoái, Quỹ đã mạnh dạn trích kinh phí hỗ trợ cho 110 em mắc chứng tự kỷ tại TPHCM và một số em ở các tỉnh miền Trung, tổng cộng hơn 300 em trên toàn quốc.
Đối với trẻ em là nạn nhân ấu dâm đang gây bức xúc dư luận thời gian gần đây, ông Tiến nói: “ Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các em nếu có đề xuất. Tuy nhiên, đối với những nạn nhân này, hỗ trợ về mặt tâm lý là cần thiết thiết hơn cả. Quỹ chỉ có thể hỗ trợ các em về mặt vật chất, còn đề giải quyết tệ nạn này là vấn đề lớn, cần phải có sự ra tay của nhiều cơ quan, đoàn thể thì mới có thể ngăn chặn và phòng ngừa nó hiệu quả.”