PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, thời gian qua Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí.
Trường hợp mới nhất là bệnh nhân nữ 32 tuổi được các nhân viên một spa ở Long Biên tư vấn tiêm chất làm đầy (filler) để nâng ngực. BS Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ cho biết,, theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con, ngực của chị bị chảy sệ, teo tóp nên rất tự ti. Giữa tháng 6 vừa qua, chị đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn nâng cấp “vòng 1”.
Khi hỏi lại cơ sở thẩm mỹ, nhân viên trấn an chị rằng đây chỉ là phản ứng rất bình thường, sẽ hết sau vài ngày.
“Khi đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, bác sĩ phát hiện lỗ dò ở ngực của bệnh nhân vẫn đang chảy mủ liên tiếp. Qua chụp chiếu, bác sĩ xác định bệnh nhân may mắn khi filler chỉ được tiêm khu trú ở lớp mỡ dưới da”- BS Vũ Trung Trực cho hay
BS Trực cho biết thêm, ngoài ra, kết quả cấy mẫu mủ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm một loại vi trùng nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh do trong quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng.
Theo BS Trực, mặc dù ngực bệnh nhân đã hết nhiễm trùng nhưng giờ sẽ để lại sẹo khiến ngực méo mó, biến dạng. Đặc biệt, bên trong vẫn còn chất làm đầy nên bệnh nhân sẽ cần theo dõi thời gian dài. Nếu muốn đặt túi nâng ngực, bệnh nhân sẽ cần chờ ít nhất thêm 6 tháng nữa. Đáng lưu ý, đến giờ bệnh nhân vẫn không hề hay biết mình được tiêm loại filler nào, xuất xứ từ đâu.