Quốc lộ 1 qua Bình Định chi chít 'ổ gà' gây nguy hiểm

TPO - Ngày 18/12, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, đã có kiến nghị khắc phục các hư hỏng về hạ tầng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, thời gian gần đây, trời thường xuyên có mưa, tại nhiều vị trí trên tuyến Quốc lộ 1 tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường, tạo ổ gà sâu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Qua thống kê, đoạn Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định có 97 điểm hư hỏng mặt đường cần khắc phục.

Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định có nhiều điểm hư hỏng. Clip: Trương Định

Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định đề nghị Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Văn phòng Quản lý đường bộ III.4, trong phạm vi trách nhiệm của mình tham mưu, chỉ đạo, kiến nghị các đơn vị chức năng khảo sát, khắc phục kịp thời các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, để hạn chế tai nạn giao thông.

Quốc lộ 1 hư hỏng xuống cấp sau mưa.

Trước tình trạng trên, Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 đã gửi văn bản đến Công ty CP BOT Bắc Bình Định; Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Định; Công ty TNHH BOT 36.71; Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định yêu cầu tăng cường khắc phục hư hỏng mặt đường trên các tuyến quốc lộ ở tỉnh Bình Định.

Trong đó, yêu cầu bổ sung thêm các mũi thi công khẩn trương tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, xử lý kịp thời các hư hỏng trên tuyến, tuyệt đối không để tồn tại ổ gà, đọng nước mặt đường.

Trong điều kiện thời tiết bất lợi chưa thể vá sửa triệt để, yêu cầu lựa chọn vật liệu phù hợp (cấp phối đá dăm gia cố xi măng; vật liệu cào bóc trộn nhũ tương hoặc xi măng; đá hộc, đá ba, 4x6 chêm chèn…) để vá sửa tạm đảm bảo giao thông, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông để cảnh báo.

Các đơn vị đang triển khai xử lý khắc phục.

Khi thời tiết thuận lợi, vá sửa ngay bằng bê tông nhựa; phải bố trí máy lu, đầm cóc để đầm lèn chặt theo quy định; khơi thông các vị trí nước đọng mặt, lề đường, cầu, cống, rãnh để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trên tuyến.

Trường hợp các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý không tổ chức triển khai thực hiện hoặc chậm khắc phục để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến, tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân chủ quan thì các đơn vị quản lý bảo trì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.