> Khi bác sỹ thú nhận chuyện 'phong bì'
Cầm thì nhục nhã, không thì đói
Cuộc nghiên cứu định tính được tiến hành tại 4 tỉnh: Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ từ tháng 8-2010 đến tháng 2-2011. 17 cán bộ quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, 119 cán bộ y tế và bệnh nhân đã tham dự các cuộc phỏng vấn của các nhóm nghiên cứu, đồng thời thảo luận nhóm.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết quá trình khảo sát cho thấy, những nhân viên y tế mới ra trường không dám nhận phong bì và quà biếu.
Điểm đáng chú ý được chỉ ra trong quá trình nghiên cứu là các bác sĩ dần quen với việc nhận phong bì chỉ sau 1 đến 3 năm công tác. Cá biệt, nhân viên y tế khoa sản, ngoại thì thời gian để quen với việc nhận phong bì được rút ngắn xuống chỉ trong vòng 1 năm.
Một bác sĩ trẻ đã thừa nhận với nhóm nghiên cứu rằng, thực ra cầm phong bì là thấy nhục nhã, nhưng không cầm thì đói.
Ngoài ra, còn những lý do được các nhân viên y tế đưa ra để biện minh cho việc cầm phong bì như để mở rộng quan hệ xã hội, không làm bệnh nhân thất vọng, vì bệnh nhân tự nguyện đưa phong bì. Đây là thông lệ mà bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng có.
Bà Hà cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, sự xuất hiện của phong bì trong dịch vụ y tế ngày càng tăng và bác sĩ tuyến trên nhận phong bì dày hơn tuyến dưới.
Tại bệnh viện tuyến huyện, phong bì nhiều lắm cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, nhưng lên đến bệnh viện tuyến tỉnh phong bì được nâng cấp thành 50.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tại những bệnh viện tuyến trung ương, mức trung bình từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ở tuyến này cao nhất là 2 triệu đồng tiền cảm ơn cho bác sĩ. Trong đó, các khoa ngoại và sản là 2 khoa nhân viên y tế nhận mức phong bì hậu hĩnh nhất.
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ khi tiền phong bì cho bác sĩ lên tới 5 triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng như từng diễn ra tại TPHCM.
Ngoài ra, nhân viên y tế còn có các hình thức khác để nhận lời cảm ơn từ bệnh nhân như nhận hiện vật và nhận “cơ hội”.
Theo đó, “cơ hội” ở đây được thể hiện bằng hình thức như giới thiệu suất mua nhà giá gốc, xin học cho con vào trường danh tiếng, mua hàng nước ngoài. Hình thức này xuất hiện trong vài năm trở lại đây và chỉ có ở các thành phố lớn.
Nhiều gia đình không chỉ đưa phong bì biếu bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng mà còn đưa phong bì để cảm ơn khoa, phòng nơi người nhà mình được chăm sóc.
Nghiên cứu chỉ ra, phần lớn người nhà bệnh nhân phải đưa phong bì khi ranh giới giữa sự sống và cái chết của người bệnh rất mong manh. Với những bác sĩ mà người nhà bệnh nhân đã quen biết thì việc đưa phong bì được thay bằng quà cáp.
Vừa thu tiền, vừa thu lòng biết ơn
TS. Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng nhận định, chắc chắn khi nhân viên y tế nhận phong bì thì chất lượng điều trị cho bệnh nhân bị ảnh hưởng, bởi sự ưu tiên điều trị không dựa trên tình trạng bệnh nặng hay nhẹ của người bệnh mà dựa trên tiền lót tay.
Nhận định này được sự đồng tình của các nhà hoạch định chính sách, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Ông Tuấn cho rằng, ngành y tế là ngành rất có quyền lực khi tạo cho bệnh nhân và người nhà cảm giác không đưa tiền thì thấy có lỗi với người điều trị bệnh cho mình.
TS Trần Tuấn cũng khẳng định: Sẽ là ngành không lành mạnh khi vừa thu tiền vừa thu lòng biết ơn của người bệnh. Nghiên cứu cho thấy, phong bì lót tay đang làm băng hoại niềm tin của người dân đối với ngành y tế, nó cũng gây ra mâu thuẫn nội bộ giữa các khoa phòng của cơ sở y tế.
Nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi đưa phong bì bắt buộc hay tự nguyện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Kết quả có 50% người được phỏng vấn cho biết, đưa phong bì vì thấy mọi người đều làm vậy; 1/3 số người bệnh nói đôi khi nhân viên y tế đòi hỏi phong bì theo cách thức rất tinh vi; 1/3 thì nghe truyền miệng hoặc chứng kiến cảnh nếu không có phong bì thì bị bác sĩ thờ ơ nên phải đưa.